7 cách tạo động lực làm việc cho nhân viên hiệu quả

Kỹ năng tạo động lực là một kỹ năng vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo vì phải luôn tìm ra cách để giúp cho các nhân viên có thêm những động lực để vượt qua những khó khăn, áp lực của công việc, cuộc sống để hướng đến với mục tiêu với một nỗ lực cao nhất. Muốn đạt được điều này thì những người quản lý, lãnh đạo phải chú ý đến những điều sau:

1. Sự dịch chuyển

Cuộc sống của mỗi người luôn là một sự dịch chuyển, bắt đầu từ vấn đề tâm thức. Rất nhiều người đã làm việc như một lối mòn từ ngày này sang ngày khác và phản ứng với công việc như một nghĩa vụ phải hoàn thành. Chính điều này đã dẫn đến tâm thức bị tê liệt nên mất dần đi sự chủ động. Vì vậy, muốn bản thân nhân viên có thêm động lực thì đầu tiên chúng ta phải dịch chuyển về mặt tư duy để thay đổi nhận thức của họ từ đó tác động đến hành vi giúp mỗi người cải thiện các kết quả theo chiều hướng tốt hơn.

2. Ôn luyện

Không phải lúc nào chúng ta cũng giữ cho mình một động lực đủ mạnh. Cuộc sống luôn bị chi phối bởi nhiều khía cạnh từ tài chính, gia đình, bạn bè, xã hội….dẫn đến mức độ động lực của chúng ta thường xuyên lên xuống như một nhịp điệu tự nhiên. Có những ngày chúng ta tràn trề động lực khi bắt đầu một ngày mới nhưng cũng không ít ngày chúng ta cảm thấy vật vã, mệt mỏi đến mức không muốn bước ra khỏi giường. Chính điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng ôn luyện thường xuyên các cách thức tạo động lực cho nhân viên để tạo thành một thói quen tích cực trong tổ chức, giúp mỗi cá nhân luôn giữ được sự chủ động mà không bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố xung quanh.

3. Năng lượng

Cuộc sống chúng ta là một trường năng lượng. Dù muốn hay không thì xung quanh chúng ta vẫn luôn có một nguồn năng lượng dồi dào của vũ trụ. Tuy nhiên nếu không biết cách chúng ta sẽ tiếp nhận những năng lượng tiêu cực làm tinh thần luôn bị chao đảo, thiếu sự sáng suốt trong suy nghĩ và hành động. Hãy giúp cho mọi người tổ chức luôn giữ được thái độ lạc quan, tích cực trong mỗi công việc mình đang thực hiện. Muốn vậy, chúng ta cần cảm nhận được ý nghĩa từ mỗi hành động chúng ta tương tác với cuộc sống và công việc. Và khi thật sự có năng lượng thì mỗi chúng ta sẽ lan toả nguồn năng lượng đến môi trường xung quanh khiến cho những con người bên cạnh mình cũng sẽ được cộng hưởng tạo thành những nguồn năng lượng lớn hơn.

4. Giá trị

Để mỗi nhân viên cảm nhận được động lực thì chúng ta giúp họ thấy những gì họ đang thực hiện tạo ra được nhiều giá trị cho chính mình, mọi người và tổ chức. Khi có giá trị thì mỗi người sẽ có cảm giác xứng đáng hơn, tự hào hơn. Điều này tiếp tục khiến mỗi người thăng hoa khi giá trị tạo ra ngày càng lớn trong tương lai. Hơn nữa khi tạo ra được giá trị thì mỗi cá nhân sẽ được mọi người xung quanh công nhận và ủng hộ. Chính điều này gián tiếp giúp cho mọi người có cơ hội được khẳng định được vai trò của mình trong một tổ chức.

ly-tuong-doanh-nghiep

5. Lý tưởng

Một người chỉ có thể đồng hành cùng với tổ chức khi họ nhận ra được lý tưởng mà người lãnh đạo, quản lý đang hướng tới. Và khi có lý tưởng cao đẹp thì mọi người sẽ hết mình phụng sự cho điều đó. Đồng thời mọi người sẽ hiểu rõ được sứ mệnh của mình với những ước mơ và hoài bão mà họ đang chung tay góp sức để dựng xây.

6. Ủng hộ

Động lực sẽ xuất hiện khi những quan điểm và ý kiến đóng góp đều được sự ủng hộ của mọi người trong tổ chức. Vì vậy, các nhà quản lý lãnh đạo hãy luôn  thể hiện  sự quan tâm, chú ý đến những đề xuất và sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ trước những sáng kiến của nhân viên. Nếu điều này không được thực hiện đúng cách sẽ dẫn đến sự thất vọng, hụt hẫng của mọi người, từ đó làm cho môi trường làm việc bị triệt tiêu sự sáng tạo do mọi người không tin vào khả năng của họ khi liên tục bị từ chối và chê bai.

7. Cân bằng

Mỗi người chỉ có thể có động lực khi các khía cạnh của cuộc sống luôn được cân bằng. Nhiều nhân viên quá tập trung vào công việc trong một thời gian dài nên dẫn đến sự mệt mỏi, stress….Điều này làm giảm đáng kể động lực của họ. Vì vậy, hãy giúp cho mỗi nhân viên luôn giữ được sự hài hoà trong cả công việc và cuộc sống từ đó giúp mỗi người có thời gian tự làm mới mình nhằm tái tạo lại nguồn động lực vốn có để đáp ứng tốt cho các công việc tiếp theo trong tương lai.

Chuyên gia đào tạo Trần Đình Tuấn