Kỹ năng sống tự lập của sinh viên

"Bạn chính là người bước đi trên đôi chân của mình, chứ không phải ai khác". Hãy mạnh dạn bước những bước đi của chính mình cho dù bạn đang bước đi ở bất kỳ nơi đâu. Có như thế bạn mới tự tin bước vào giảng đường đại học và bước vào xã hội.

Năm đầu đại học là một giai đoạn chuyển tiếp và để trở thành con người thực sự trưởng thành, sinh viên phải tự lập trong mọi mặt của đời sống. Kỹ năng sống tự lập là khả năng tự chăm sóc đến bản thân từ ăn ở, đi lại cho đến chi phí sinh hoạt, học phí, là chủ động trong việc học tập, cải thiện bản thân về mọi mặt, là khả năng tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân.

Tại sao phải sống tự lập?

Sống tự lập giúp tăng cường sự tự tin trong việc tự quyết định nhiều vấn đề cho bản thân mà không cần phụ thuộc vào người khác. Bước chuyển tiếp lên đại học là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của một thanh niên, bước qua cái tuổi 18 người thanh niên cần biết cách quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Không còn thể phụ thuộc vào ba mẹ thầy cô để quyết định, nhắc nhở trong mọi việc.Nhiều học sinh trong suốt quá trình học phổ thông chưa trang bị đủ cho mình về kỹ năng tự lập sẽ vô cùng bỡ ngỡ khi đặt chân vào đại học.

Cuộc sống ở đại học rất khác so với những năm trước và một trong những khác biệt lớn nhất là sinh viên phải tự thân vận động trong nhiều mặt từ vấn đề học tập đến hoạt động ngoại khóa, xã giao thiết lập quan hệ, cho đến việc ăn ở đi lại. Kỹ năng sống tự lập sẽ giúp cho sinh viên thích nghi với môi trường đại học nhanh chóng hơn. Phần lớn các sinh viên thành công ở đại học và sau đó đều có tinh thần chủ động, tự lập cao.

Sự tự lập giúp sinh viên phát triển về kỹ năng sống và học vấn toàn diện hơn. Những sinh viên ở các nước tiên tiến, sau khi học phổ thông thường ra ở riêng, đi làm thêm và có ý thức sống tự lập rất cao. Họ tự kiếm tiền để nuôi thân, hoặc vay tiền để đi học đại học, cao học. Thậm chí ngay những gia đình có khả năng chu cấp vẫn thường để con mình tự lo hoặc vay tiền và tự trả sau khi ra trường và có việc làm. Có như vậy sinh viên mới quý trọng đồng tiền và khi đã học thì cố gắng hết mình. Học vì đó là mục tiêu cốt yếu cho bản thân chứ không phải miễn cưỡng hay vì cha mẹ. Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Vì lý do tài chánh hoặc truyền thống gia đình, nhiều sinh viên nước ta vẫn sống với cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên hình thành dần những thói quen sống tự lập. Ngoại trừ những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, buộc phải bương trải kiếm sống, phần lớn các sinh viên còn sống ỷ lại vào gia đình, nấn ná bám víu như con tằm gửi. Rất nhiều sinh viên đến khi đi học đại học vẫn phụ thuộc vào ba mẹ về việc giặt giũ cơm nước, đóng tiền chi phí sinh hoạt. “Tớ đi làm chỗ nào nhàn nhàn một chút, lương mỗi tháng khoảng 1-2 triệu đủ tiền tiêu vặt. Nhà đã sẵn, xe cộ bố mẹ lo ngon lành rồi, ăn uống khỏi phải lo”- đó là suy nghĩ của Khánh, một sinh viên vừa tốt nghiệp ĐHTN- một khuynh hướng suy nghĩ phổ biến trong sinh viên ngày nay. Khi mọi chuyện đến quá dễ dàng, con người ta có xu hướng ỷ lại và phụ thuộc, đùn đẩy công việc cho người khác. Lối suy nghĩ như vậy rất dễ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân sau này.Khi mà sinh viên không tự lập về mặt tài chính thì cũng không đủ tự tin để đưa ra chính kiến trước ba mẹ. Lê Hoàng Linh- Sinh viên năm 2, khoa Anh, ĐH Ngoại Thương kể lại:  “Mình từng làm gia sư, tiếp thị, phiên dịch… Tháng lương đâu tiên, mình dành trọn để mua quà cho bố mẹ. Đó vừa nhằm chứng minh mình đã lớn, vừa “thuyết phục” bố mẹ sẽ cho mình thoải mái hơn trong việc làm thêm cũng như cuộc sống sau này.”

Làm thế nào đề học cách sống tự lập?

Hãy tự rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất mà hầu hết nhiều sinh viên năm đầu còn thiếu như tự chăm sóc cho bản thân về ăn uống, đi lại, chi tiêu cho đến đi làm thêm để phụ giúp cho gia đình. Chỉ bằng cách đi làm ngoài giờ và quản lí tiền bạc một cách hiệu quả, sinh viên mới có thể thiết lập được sự tự lập trong vấn đề tài chính. Sinh viên có thể làm gia sư, thành lập và tham gia những nhóm gia sư để dạy kèm cho học sinh cấp dưới, đăng quảng cáo trên báo chí, phát tờ rơi, nhờ bạn bè giới thiệu để có thể xây dựng thương hiệu cá nhân “marketing” cho bản thân. Ngoài dạy kèm, sinh viên có thể đi thực tập ở các công ty liên quan đến ngành học của mình, vừa kiếm thêm tiền chi tiêu, vừa học hỏi kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ. Phùng Thị Lựa- K48, Khoa Sư phạm Sử, ĐH KHXH&NV tâm sự “Mình đã tự lập gần 3 năm học qua bằng chính số tiền tự kiếm được. Tự lập giúp mình tự tin lên rất nhiều.”

Nguyễn Quang Toản một sinh viên ngành khoa học cây trồng Đại học Nông Lâm Huế vận dụng những kiến thức đã học để kiếm tiền một cách thiết thực: Toản đã xây dựng một vườn rau sạch trong phòng mình để phục vụ cho bản thân và các nhà hàng lân cận. Toản tâm sự với niềm tự hào: “Số tiền kiếm được không nhiều, nhưng cũng đỡ được phần nào gánh nặng từ gia đình, vui hơn nữa là khẳng định được chính mình bằng sản phẩm thuộc chuyên ngành khoa học cây trồng mà mình theo học" Sinh viên thường có xu hướng xài tiền hết tháng nào hay tháng đấy, hai khái niệm tiết kiệm và đầu tư dường như vô cùng xa lạ. Nhiều sinh viên đầu tháng sống xa hoa để rồi cuối tháng mà trường kỳ mì gói, bị nhẵn túi thì lại xin tiền bố mẹ, vay mượn bạn bè đến khi nào co lương thì trả nợ. Tình trang khủng hỏang tài chính là do sự thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Hãy tìm hiểu về nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân như là cách kiếm tiền và tạo thu nhập hiệu quả; tiết kiệm và đầu tư; nghệ thuật lên ngân sách; các dịch vụ ngân hàng; tín dụng, thẻ tín dụng; giải quyết khó khăn tài chính.

Chỉ bằng cách tự lo liệu cho bản thân những bữa ăn sáng chiều, những bộ quần áo sạch sẽ, những phương thức đi lại, sinh viên mới có thể rèn luyện được tính tự lập trong lề thói hằng ngày. Những điều ấy tuy không phải là việc trọng đại nhưng đều ảnh hưởng đến nhận thức không ỷ lại, tinh thần tổ chức, có trách nhiệm tự giác cao.

Hãy tự chủ động làm những việc mình cần làm mà không cần người khác nhắc nhở. Không còn những tiếng chuông reng vào lớp, nghỉ giải lao hay ra về. Không còn sự khắt khe của giám thị hay điểm danh gắt gao của thầy cô. Mỗi học sinh có thời khóa biểu khau. Ai nấy đều phải thiết lập một thời khóa biểu chặt chẽ và một tinh thần tự giác để hoàn thành công việc. Thời khóa biểu trong tuần nên chi tiết theo từng ngày từng giờ cân bằng hợp lý giữa thời gian học tập, sinh hoạt cá nhân, đi làm, thư giãn giải trí.. Không thì sự thành công trên con đường học vấn đại học sẽ trở nên vô cùng xa vời.

Hãy chủ động trao dồi kiến thức của mình vì bài giảng của thầy cô trong lớp giới hạn về thời gian mà chủ đề thì lại rộng. Chủ động tìm đến thư viện để đọc thêm tài liệu, học nhóm với bạn bè cùng lớp hoặc tự rèn luyện tại nhà. Luôn luôn đặt câu hỏi cho những kiến thức mới học để có thể hiểu một cách sâu sắc và vận dụng nó vào thực tiễn chứ không chỉ học thuộc bài để đối phó.

Tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân từ việc ngành nghề cho đến học hành. Tìm hiểu bản thân mình để xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Không ai hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Tìm hiểu những điểm mạnh yếu của bản thân để phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chính mình. Trong thời đại thông tin ngày nay, việc tìm hiểu ngành nghề đã trở nên rất dễ dàng với hệ thống mạng. Báo chí và sách vở cũng trở nên phổ thông với hầu hết mọi tầng lớp giàu nghèo của xã hội. Chỉ bằng cách tự đào sâu tìm hiểu và quyết địng sở thích và chuyên đề học vấn, sinh viên mới có thể xác định được đường lối thực sự đúng đắn và phù hợp cho bản thân.

Trích "Cẩm nang những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho sinh viên" - Nhà Xuất Bản Trẻ 2010