Tâm huyết của người phụ nữ mang tên một loài hoa - Nhà báo nữ

Hơn 35 năm sau khi tốt nghiệp Đại học, trong dịp về dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Huế, giữa hàng ngàn cựu sinh viên, tôi vẫn nhận ra chị với tà áo dài của Huế nhưng mang màu hoa anh đào nhẹ nhàng và duyên dáng, mà trước đó, cũng tại lần kỷ niệm 55 năm của Trường (năm 2012), chị đã có bài phát biểu đại diện cựu sinh viên khiến Thầy Cô và những người bạn cùng thời đều xúc động và không cầm được nước mắt.

TỪ NHỮNG BƯỚC NGOẶC…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở miền quê nghèo huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Tam Kỳ), ham mê và hiếu học, Anh Đào luôn cố gắng và đạt được những kết quả học tập xứng đáng. Quả ngọt đầu đời là cô đã thi đỗ vào khoa Sinh - trường Đại học Tổng hợp Huế (1977 - 1981). Trong những năm miệt mài nơi giảng đường đại học, kế thừa tinh thần ham học, thâm nhập thực tiễn và say mê nghiên cứu ứng dụng xuất sắc nên được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Trong quá trình công tác tại trường, chị vừa làm công tác chuyên môn vừa tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trong ngành vi sinh và lên men rượu bia, chị đã đi thực tập tất cả các nhà máy bia rượu trên cả nước từ thời còn sinh viên. Khi rời bục giảng thử sức với cuộc đời rộng lớn, chị tiếp tục về công tác tại nhà máy bia nước ngọt Đà Nẵng - nơi có thương hiệu bia Sông Hàn nổi tiếng thời bấy giờ. Rồi do hoàn cảnh gia đình, chị lại chuyển công tác sang Công ty Thực phẩm miền Trung thuộc Tổng Công ty của Bộ Nội thương nay có tên là Fococep và đã đảm nhận đến vai trò Phó Giám đốc kinh doanh sau một thời gian ngắn. Ấy vậy mà chị lại từ bỏ con đường công chức nhà nước vào những năm 1993 để bắt tay vào xây dựng nhà máy bia mang tên là bia Khuê Trung, với slogan “bia Khuê Trung - bia của mọi nhà”  thuộc công ty thực phẩm Minh Anh do chị thành lập, rất thành công vào những năm 2094-2097, trong giai đoạn cơ chế chính sách của Nhà nước vừa bắt đầu đổi mới, với kiến thức và trải nghiệm học được, cùng với ý chí và số vốn nhỏ vay mượn từ bạn bè, là vậy.  

Thế rồi, không dừng ở đó, do tiếp cận thực tiễn và thực tiễn dẫn dắt, chị bắt đầu tiếp tục hoàn thành khóa học Thạc sỹ Quản lý giáo dục với kết quả xuất sắc, được đặc cách chuyển tiếp nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ mà không qua thi tuyển đầu vào. Do là vào cuối những năm 1998, khi làn sóng liên doanh tràn vào Việt Nam, đến bia Sông Hàn, cả ban giám đốc đều từ chức và chị được ông Nguyễn Bá Thanh là chủ tịch thành phố lúc bấy giờ mời về lại để phụ trách về mặt kỹ thuật với vai trò phó giám đốc kỹ thuật để xử lý một triệu lít bia không thành thành phẩm. Sau khi xử lý xong, bán hết 1 triệu lít bia cũ không thành thành phẩm này,  và cùng cán bộ kỹ thuật nấu tiếp đủ một triệu lít bia mới đầy các bồn lên men,thay vì ở lại để làm lãnh đạo, thì chị chọn tiếp tục thử sức với cuộc đời rộng lớn. Do cho dù đã rời trường đại học Tổng hợp Huế nay là trường đại học Khoa học Huế, nhưng chị vẫn gắn bó với Thầy Cô và nhà trường nên cơ duyên với giáo dục đến lại với chị lần thứ hai và cho tới bây giờ, chị cũng đã tiếp tục theo học ngành quản lý giáo dục xuất sắc là vậy. 

…ĐẾN THÀNH QUẢ CỦA Ý CHÍ

Được sự chia sẻ và đồng cảm của người bạn đời, chị đã thế chấp toàn bộ gia sản của mình để đầu tư xây dựng trường học. Khởi sự là trường Trung học chuyên nghiệp tư thục Công kỹ nghệ Đông Á tại Đà Nẵng, chính thức thành lập ngày 28/01/2002. Sau nhiều năm hoạt động, để đáp ứng nhu cầu của xã hội nói chung và nâng tầm chất lượng đào tạo của nhà trường nói riêng, Hội đồng quản trị quyết định chuyển đổi mô hình thành Trường Đại học Đông Á (tên giao dịch tiếng Anh UEA) bằng Quyết định số 644/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 21/05/2009. Đây cũng là bước ngoặc lớn nhất khẳng định tên tuổi và con người đầy nghị lực của chị, đồng thời cũng là thời điểm ghi dấu ấn một diện mạo mới, sự phát triển, trưởng thành và cả con đường gian nan phía trước của nhà trường.

Được biết, với tầm nhìn xa, khi Đông Á còn là trường Trung cấp, chị đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Đại học Đông Á. Hiện ngôi trường đã có diện mạo đẹp, tọa lạc tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, có thể nói ai đi ngang cũng liếc nhìn. Ấy vậy nên đã có nhiều tour du lịch, nhiều cặp uyên ương vào xin chụp hình kỷ niệm. Trường có 09 phòng chức năng, 09 khoa, 04 trung tâm; có tổ chức Đảng và đoàn thể gồm: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, với tổng số cán bộ giảng viên, nhân viên là 294 người. Trường thực hiện đào tạo cử nhân khoa học các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị Du lịch - dịch vụ, Quản trị Khách sạn - Nhà hàng, Luật Kinh tế, Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ Anh, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Công nghệ Thông tin, Tài chính ngân hàng, Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử, CNKT điều khiển và tự động hóa, CNKT Ô tô, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Giáo dục mầm non, Giáo dục Tiểu học, Tâm lý học, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, 01 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Phải công nhận: Đại học Đông Á là một trong ít các trường có sự đầu tư lớn về trang thiết bị giảng dạy nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên, qua đó làm gần lại khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới với một cơ sở mới khang trang, tiện ích, giúp sinh viên chủ động tư duy sáng tạo của mình một cách thăng hoa nhất; là không gian học tập mở và phát triển kỹ năng toàn diện cho sinh viên với cách bố trí, sắp xếp khoa học như khu vực tự học, sảnh giao lưu-đối thoại hằng tuần, sinh hoạt các câu lạc bộ học thuật-tài năng,… Khu tiện ích dành cho sinh viên rất đa dạng: thư viện sách ngoài trời (công viên văn hóa đọc), khu tự học dành cho sinh viên, vườn Trạng nguyên, khu cà phê - sách, sân bóng đá,… 90 phòng học lý thuyết và thực hành, 15 giảng đường lớn: Các dãy phòng học khang trang, thoáng rộng, hội trường lớn, lớp học được trang bị hệ thống projector (máy chiếu) phục vụ cho các tiết giảng trên Power-point trực quan sinh động và dễ hiểu. Hệ thống camera hiện đại hỗ trợ giám sát quá trình dạy và học, giúp nâng cao tương tác trên lớp và chất lượng giảng dạy - học tập. Thư viện điện tử: Hệ thống tài liệu, sách, giáo trình tham khảo. Thư viện được trang bị khá phong phú với 17.584 đầu sách, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên các chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, qua tra cứu trực tuyến trên thư viện điện tử, sinh viên được tiếp cận với rất nhiều đầu sách chuyên ngành giá trị. Phòng đọc cũng mở cửa liên tục để phục vụ sinh viên, nhất là trong các kỳ thi giúp các bạn sinh viên nắm vững kiến thức để đạt kết quả cao trong khoá học và tự tin khi tiếp cận, làm việc tại doanh nghiệp. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở mới này được chúng tôi xác định là công cụ, phương tiện phục vụ tối đa cho công tác giảng dạy và học tập, với đối tượng trung tâm là sinh viên và mối quan tâm hàng đầu là chất lượng và hiệu quả học tập, rèn luyện. Từ thiết kế, kiến trúc, xây dựng đến lắp đặt các trang bị, chăm sóc cảnh quan, chúng tôi đều hướng đến mục tiêu hình thành một không gian vừa hiện đại vừa kích thích niềm hứng khởi và sáng tạo trong dạy và học; tiếp cận và đáp ứng ngày càng cao các tiêu chuẩn và tiêu chí giáo dục ưu việt mà nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới đang áp dụng”. Với tâm huyết : Sứ mệnh của Trường Đại học Đông Á là "Đầu tư kiến thức phát triển năng lực cá nhân, chuyên môn nghề nghiệp để tạo dựng con đường thành công và đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội", hoài bão lớn lao mà chị luôn trăn trở là xây dựng một Đại học Đông Á theo chất lượng quốc tế và học phí quốc gia.  Chị cho rằng chỉ có như thế sinh viên Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng sẽ dễ hội nhập thế giới.

Và mới đây, ngày 12/9/2018,  thêm một cơ sở mới của Đông Á đã khai trương và đi vào hoạt động trong sự ngưỡng mộ chào đón của người dân và phụ huynh, học sinh ở thành phố Đà Nẵng. Đó là mô hình giáo dục bậc mầm non và bậc tiểu học tại Trường mầm non Hoa Anh Đào, Trường Tiểu học, THCS, THPT Olympia (gọi tắt là Sakura-Olympia). Đây là đứa con tinh thần mà chị rất tâm huyết và toàn tâm toàn lực khởi tạo. Chị chia sẻ: Trường được xây dựng trên diện tích 3.157m2, tổng diện tích sàn hơn 6.700m2 theo tiêu chuẩn quốc tế gồm 20 phòng học cùng hệ thống các phòng chức năng, phòng nghệ thuật, phòng công nghệ thông tin, phòng nghệ thuật, phòng STEM, phòng học tiếng Anh, phòng giáo dục kỹ năng, thư viện.. được hoạt động trong định hướng sự hỗ trợ tích hợp của hệ sinh thái “5 in 1” về phương pháp và khoa học giáo dục cùng khát khao đào tạo ra thế hệ học trò thành nhân và thành tài, có tấm lòng cao thượng và cuộc sống hạnh phúc theo sứ mệnh “giúp học trò hình thành nhân cách, chinh phục đỉnh cao, đắp xây hạnh phúc... "Từ thiết kế, kiến trúc, xây dựng đến lắp đặt các trang bị, chăm sóc cảnh quan, chúng tôi đều hướng đến mục tiêu hình thành một không gian vừa hiện đại vừa tiện ích, kích thích niềm hứng khởi, tôn trọng sự khác biệt và thúc đẩy sáng tạo trong khả năng vô hạn của trẻ; tiếp cận và đáp ứng ngày càng cao các tiêu chuẩn và tiêu chí giáo dục ưu việt theo chương trình giáo dục Nhật Bản và Hoa Kỳ, giúp học sinh khai mở năng lực, phát triển kỹ năng và trí tuệ toàn diện, sẵn sàng hội nhập.”, và cùng cam kết xây dựng hình ảnh “Người Thầy đầu tiên” ở ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời các con - những công dân toàn cầu với một tương lai tươi sáng. Đội ngũ giáo viên là những người thầy giỏi đã trải qua chương trình đào tạo giáo viên bài bản 300 giờ theo phương pháp Nhật và Mỹ bên cạnh giáo viên đến từ Nhật, Mỹ... Năm học 2018-2019 bắt đầu đưa vào đào tạo ở bậc Mầm non và lớp 1,2 ở bậc Tiểu học. Với khát vọng người học trò Sakura- Olympia sẽ như tên của nó, sẽ như học một đại học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông, có văn hóa đọc sách, có được 10 thói quen tốt  để làm người trách nhiệm từ giai đoạn đầu đời mầm non và tiểu học, có được kỹ năng của thế kỷ 21, có năng lực nghiên cứu , chinh phục một đỉnh cao tri thức…

ĐIỂM TỰA NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ

“Quê nghèo sinh những tấm lòng”- Chị có quan điểm rất rõ ràng: Đại học Đông Á luôn hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng, đây mới chính là phi lợi nhuận (không thu phần lợi nhuận mà để lại cho người học, và lợi nhuận nếu có cũng không chia cho cổ đông mà dành vào việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng học tập  và đóng góp vì cộng đồng hơn nữa). Trong tương lai, chị còn muốn xây dựng thêm nhiều học bổng và cho con em gia đình nghèo nợ học phí để theo học và khi thành công, các em sẽ trả lại cho trường. Từ những năm 2006, trường đã cấp học bổng toàn phần trong suốt 4 năm cho tất cả sinh viên là con em của các gia đình nạn nhân trong bão Chanchu, quyên góp áo ấm cho đồng bào nghèo mùa rét… Đóng góp vì Trường Sa, vì đồng bào bão lụt ở các tỉnh miền Trung. Mới đây, nhà trường đã cùng các nhóm thiện nguyện đóng góp xây dựng 3 cây cầu ở vùng đồng bào còn nhiều khó khăn ở Phú Yên đi lại an toàn trong mùa mưa lũ .v.v. Đây cũng là một trong những tiêu chí giáo dục sinh viên Đại học Đông Á có thái độ trách nhiệm của con người được giáo dục. 

Trong mức học phí còn thấp vì sinh viên miền Trung còn nghèo, chị cũng đã thành lập giải thưởng “Hoa Anh Đào” và Quỹ “Tài năng Hoa Anh Đào” nhằm động viên, khuyến khích kịp thời cho những sinh viên học giỏi, những thành tựu xuất sắc và cống hiến vì cộng đồng và cho thương hiệu Đại học Đông Á vươn xa và bay cao. Em Dương Tố Nga - cựu sinh viên Ngành Kế toán Tài chính phấn khởi chia sẻ: “Là niềm vinh dự và chút hãnh diện khi được xướng tên và nhận học bổng Hoa Anh Đào suốt 3 năm liền. Là những ngày chỉ muốn đến thư viện để đọc sách, để tìm tài liệu, học nhóm, rồi có khi là tổ chức sinh nhật nữa…”

Thế mạnh của Đại học Đông Á là việc giải quyết đầu ra và tạo công ăn việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa và nhân văn, trong bối cảnh khó khăn này không phải ai cũng có tâm và làm được.

Từ nhiều năm trước, chị cùng lãnh đạo nhà trường mạnh dạn đưa giải pháp mở rộng hướng việc làm cho sinh viên ra thị trường quốc tế gồm: Nhật Bản, Đức và Singapore với 72 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, hợp tác sâu với các tập đoàn đa quốc gia. Các tập đoàn đã đặt hàng tuyển dụng hàng năm lên tới 3.038 vị trí việc làm đối với sinh viên Đại học Đông Á trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có các tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản như 7-Eleven, Zensho, Route-Inn, LEOC, Japan Material Engineering Services, Hiệp hội Bảo dưỡng các toà nhà Nhật Bản (JBMA), Asean Car Business Career-Japan…; các học viện điều dưỡng lớn như Kouseikai, Nanakamado, Aoyama, Đại học quốc tế Kibi; Tập đoàn Empire Inc Holdings của Singapore; Tập đoàn Leonardis, WBS AG, Azurit của CHLB Đức... Giai đoạn này, trường cũng đã liên kết hợp tác đào tạo 2 chương trình: chương trình đào tạo kỹ năng Nhà hàng, Khách sạn và Anh ngữ với Học viện William Angliss Institute (Úc) năm 2016 và chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế với Đại học Benedictine (Hoa Kỳ) năm 2018.

Trong đó, thành phố Yokohama - là đơn vị kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng cũng kỹ kết hợp tác toàn diện, nhận sinh viên thực tập nghề nghiệp (internship) 9 tháng, sau giai đoạn này sinh viên tiếp tục nâng cao năng lực và thi chứng chủ nghề nghiệp của Nhật bản để tiếp tục làm việc tại Nhật tại 99 cơ sở y tế thành viên thuộc Hiệp hội Phúc lợi xã hội thành phố Yokohama. Lộ trình thành phố Yokohama tiếp nhận sinh viên Đại học Đông Á theo chương trình này từ năm 2019 trở đi với 50 sinh viên mỗi năm và họ cũng đã nhận ngay 20 sinh viên trong ngày ký kết hợp tác trong tháng 9 vừa qua, đã nâng tổng số SV đi thực tập sinh chuẩn bị cho giai đoạn làm việc ở nước ngoài tại Nhật Bản và Singapore lên 186 sinh viên trong năm nay.

Hằng năm, Trường đã cung ứng cho xã hội khoảng 1.500 cử nhân, trong số đó, có rất nhiều người thành đạt và giữ một số chức vụ, cương vị trong các cơ quan, doanh nghiệp....

LỜI KẾT

Thương hiệu Đại học Đông Á Đà Nẵng đã trở thành thân quen đối với người dân Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Bởi nơi ấy, họ tìm được một chỗ dựa cho ước mơ của con em mình. Nơi ấy là chiếc nôi chắp cánh cho tài năng bay xa và cũng nơi ấy họ được nhận sự ấm áp, chia sẻ, đồng cảm cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Tất cả những điều đó đã gắn với cái tên của một người phụ nữ khiêm nhường nhưng đáng trân trọng và ngưỡng mộ: Nguyễn Thị Anh Đào.

Khó khăn, sóng gió trước mắt vẫn đang còn, nhưng với phương châm sống và làm việc của chị là "học và làm, làm và học"; "đi là đến, làm là thành công"; bài học giá trị khiêm tốn và nỗ lực từng ngày từ ngôi trường tin yêu sẽ là hành trang cho các sinh viên của họ - Tin và chúc cánh hoa anh đào sẽ tỏa ngát hương và ngày càng bay xa.

Thanh Bình