Hiện tượng hư hỏng kết cấu mặt đường bê tông nhựa dạng vệt hằn lún bánh xe (rutting) đang là vấn đề nóng bỏng trong ngành xây dựng công trình giao thông trong những năm gần đây.
Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, hiện tượng hư hỏng vệt lún bánh xe đã xuất hiện rầm rộ và trầm trọng trên hầu khắp các tuyến quốc lộ và đường giao thông huyết mạch của nước ta như: Quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 18, Đại lộ Đông Tây (Tp Hồ Chí Minh)...
Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cùng các đơn vị Tư vấn Thiết kế, Nhà thầu xây dựng, Tư vấn Giám sát, Quản lý dự án và các chuyên gia đều đã bắt tay vào việc nghiên cứu các giải pháp xử lý đối với dạng hư hỏng này. Mặc dù đã xác định được một số nguyên nhân cơ bản như: Xe quá tải, biến động của thời tiết hoặc chất lượng thi công và đã có nhiều gi ải pháp từ vĩ mô đến vi mô như tăng cường vận tải đường thủy, cân kiểm soát tải trọng trục xe, bổ sung một số hướng dẫn thiết kế thi công... Tuy nhiên, ngay cả trường hợp đã tổ chức thi công và giám sát rất cẩn thận (như Cienco4 đã thực hiện cho đoạn QL1 qua Nghệ An) thì vệt lún bánh xe vẫn tái diễn. Như vậy, thực chất hiện tượng hư hỏng lún vệt bánh xe vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về công nghệ vật liệu và chắt lọc các kinh nghiệm ở các nước phát triển để đưa ra được kết cấu mặt đường phù hợp, chống được hiện tượng lún vệt bánh xe hoặc xô dồn, có tuổi thọ kéo dài, giảm thiểu chi phí duy tu sửa chữa trong suốt quá trình khai thác, có mỹ quan cao, độ bằng phẳng tốt tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông là yêu cầu thiết thực cho các Chủ đầu tư và các thực thể tham gia trong các dự án giao thông và hạ tầng.
Với trách nhiệm của một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu mặt đường, Viện Kỹ thuật Xây dựng Hạ tầng mong muốn đem những kinh nghiệm và khả năng của mình đóng góp vào tiến trình nâng cao chất lượng các công trình giao thông nói riêng và công trình xây dựng nói chung, phù hợp với các chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ GTVT.