Cách kết hợp sử dụng cây xanh trong thiết kế nhà ở
Những khu vườn trong nhà có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho đời sống hàng ngày của mỗi người, vừa mang lại một vẻ đẹp tự nhiên cho không gian sinh hoạt, vừa cải thiện sức khỏe và nâng cao hiệu quả trong công việc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc trồng cây xanh trong nhà sẽ giúp loại bỏ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) – một loại khí ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người, phát thải từ những chất hóa học sử dụng trong đồ nội thất, chất tẩy rửa và màu hóa học trong quần áo. Một môi trường “xanh” cũng sẽ giúp tăng cường nhận thức và khả năng tập trung, tư duy, từ đó mang lại năng suất làm việc cao hơn, hiệu quả hơn. Hơn nữa, cây xanh trong nhà cũng sẽ giúp điều hòa, lưu thông không khí, nhờ đó giảm đáng kể chi phí sử dụng điện năng. Tất cả những ích lợi từ cây xanh được kể trên, cùng với yếu tố mỹ quan đi kèm với thiết kế vườn tược trong ngôi nhà chắc chắn sẽ khiến không ít người tò mò và hứng thú.
Tuy nhiên, để duy trì một khu vườn trong nhà, chủ nhà sẽ cần lưu ý đến nhiều yếu tố và điều kiện môi trường để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cây. Những yếu tố này cũng vì thế mà thay đổi phụ thuộc vào loại cây được sử dụng, cũng như vị trí được thiết kế của chúng. Để giúp người dùng hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng và thiết kế nhà vườn, dưới đây là một số những điểm cần lưu ý về điều kiện sống, loại cây thường dùng và cách bố trí trong nhà.
Điều kiện sống
Ánh sáng: Thực vật sẽ cần nhiều ánh sáng để có thể quang hợp hiệu quả để có thể phát triển và sống tươi tốt. Nếu như sống trong điều kiện thiếu ánh sáng, thực vật có thể không phát triển hết, không cho ra hoa và quả, thậm chí có thể chết. Điều này càng đáng để lưu tâm hơn đối với cây được trồng trong nhà, bởi chúng hầu như sẽ không nhận được đủ ánh sáng để phát triển trong điều kiện thời tiết thiếu ánh sáng vào mùa đông, ngay cả khi được đặt cạnh cửa sổ. Vì thế, để giúp cây có thể phát triển tối đa, chủ nhà sẽ cần lắp đặt một hệ thống ánh sáng gần bên.
Đa số các loài thực vật đều phát triển nhanh nhất trong điều kiện chiếu sáng từ 14 – 16 tiếng và tối thiểu 6 tiếng trong bóng tối mỗi ngày. Tuy nhiên, cơ quan cảm quang của thực vật sẽ chỉ hấp thụ một số bước sóng ánh sáng nhất định, do đó những loại bóng điện thông thường hầu như sẽ không đáp ứng được điều kiện này. Hai loại đèn lý tưởng nhất trong trường hợp này là đèn cường độ cao (HID) và đèn huỳnh quang compact, đảm bảo sẽ mang đến cường độ sáng phù hợp cho đa số thực vật. Ngược lại, đèn huỳnh quang thông thường và bóng đèn sợi đốt sẽ không phát ra mức sáng đủ dùng cho toàn bộ khu vườn, khiến chúng chỉ thích hợp sử dụng với từng chậu cây đơn lẻ.
Độ ẩm: Cây xanh trong nhà thường thiếu độ ẩm tự nhiên, do đó lá sẽ thường héo và ngả vàng. Điều kiện độ ẩm lý tưởng cho thực vật phát triển thường rơi vào mức 50%, tuy nhiên vào những tháng mùa đông khô hanh, mức ẩm trong nhà chỉ ở khoảng 10 – 20%. Hãy khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng máy tạo ẩm trong nhà, hoặc đơn giản là đặt một chậu nước bên cạnh cây.
Nhiệt độ: Đa số các loài cây phát triển tốt trong nhiệt độ từ khoảng 18 – 24oC
Độ dày của đất: Độ dày lý tưởng của đất sẽ phụ thuộc vào loại cây được sử dụng, thông thường rơi vào khoảng 45 – 50 cm để đảm bảo quá trình phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, với một số loại cây, con số này có thể chỉ ở mức 38 cm hoặc cũng có thể lên tới gần 1 mét. Những giống cây có rễ nông sẽ thường cần đến cọc hoặc lưới mắt cáo để phát triển.
Nước: Cây được trồng trong chậu hoặc bình thường sẽ mất nước nhanh hơn so với cây được trồng ngoài tự nhiên. Do đó, cây xanh cần được tưới tắm thường xuyên và với một lượng vừa đủ để đảm bảo sự phát triển tốt nhất. Để đảm bảo điều kiện nước tốt nhất cho cây, một số nhà thiết kế và người dùng đã tìm đến những giải pháp như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, thủy canh hay bình tưới tự động.
Với hệ thống tưới nhỏ giọt, người dùng hầu như sẽ không phải tốn chút công sức nào để lắp đặt cũng như có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của cây, do hệ thống này sẽ tưới một lượng nước vừa đủ theo hẹn giờ. Tuy nhiên, sử dụng hệ thống tưới này cho khu vườn sẽ khá mất mỹ quan bởi những đường ống chướng mắt kết nối các chậu cây. Bình tưới tự động, mặt khác, vẫn đảm bảo được nguồn nước ổn định cho cây nhờ hệ thống nước dự trữ được lắp đặt dưới đáy chậu và khả năng tưới nước hẹn giờ mà không ảnh hưởng đến mỹ quan khu vườn. Một phiên bản khác đẹp mắt hơn của những chiếc bình này là tổ hợp những chiếc chậu hoa được xếp chồng lên nhau, tạo thành một khu vườn mini có dạng thẳng đứng, với đường ống tưới nước được giấu kín ở trung tâm. Thủy canh cũng là một phương pháp tưới nước cho cây trồng đẹp mắt và hiệu quả đáng để chúng ta lưu tâm. Phương pháp này hoàn toàn không sử dụng đất để trồng cây, thay vào đó sẽ truyền trực tiếp chất dinh dưỡng cho cây qua đường nước phía dưới. Cách làm này được yêu thích sử dụng khá rộng rãi nhờ việc có thể tích kiệm được diện tích bình chứa mà vẫn có được khu vườn hợp mỹ quan, đồng thời đảm bảo được sức khỏe của cây, làm cho cây phát triển nhanh hơn, hạn chế nhiều dịch bệnh hơn.
Một yếu tố khác đáng lưu tâm chính là việc thoát nước cho cây, bất kể loại hình tưới tiêu nào được sử dụng, bởi nếu không được thoát nước, rễ cây nhiều khả năng sẽ bị thối rữa vì thừa độ ẩm. Do đó, người dùng cần cân nhắc thiết kế đường thoát nước khi xây dựng khu vườn của mình.
Một số loại cây phổ biến
Những khu vườn trong nhà có thể phục vụ nhiều mục đích, từ việc trang trí đơn thuần cho đến việc thu hoạch rau quả để sử dụng hàng ngày. Giống cây trồng sử dụng cũng vì thế được sử dụng rất đa dạng tùy theo mục đích trồng của người dùng. Một số yếu tố cần cân nhắc trong việc chọn giống cây trồng là điều kiện ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ.
- Cây trang trí phổ biến: Cỏ điếu lan (lục thảo trổ); lô hội; cây sanh; cây bỏng; phỉ thúy.
- Cây rau phổ biến: Củ cải; cà rốt; các loại rau thơm; rau cải; xà lách; nấm…
- Cây hoa phổ biến: Hoa hồng; hoa hồng môn; hoa loa kèn; họ nhà hoa Lan…
Một số cách bố trí:
Căn cứ vào diện tích căn nhà và chủ đề nội thất, chủ nhà nên chọn ra những thiết kế có thể làm nổi bật lên vẻ đẹp tổng thể của ngôi nhà, cũng như tối đa hóa không gian sử dụng.
Vườn nâng
Vườn thẳng đứng
Vườn bậc thang (vườn tầng)
Chậu hoa đơn lẻ
Vườn khép kín và vườn chìm
Theo https://www.tapchikientruc.com.vn/