Trong xây dựng mặt đường mới và đặc biệt trong duy tu - bảo dưỡng đường bộ, người ta thường sử dụng các lớp phủ mỏng để bảo vệ kết cấu mặt đường hiện hữu và tăng sự êm thuận, an toàn cho xe chạy trên đường. Từ trước đến nay, để tạo lớp phủ bề mặt, chúng ta thường dùng công nghệ láng nhựa 1 lớp, 2 lớp hoặc dùng thảm mỏng bêtông nhựa dày 30 mm. Tuy nhiên gần đây, ở châu âu và Mỹ, người ta đã tìm ra công nghệ mới để tạo lớp phủ mặt đường siêu mỏng (dày 15-25 mm), có độ bền cao và độ nhám lớn, đó là công nghệ NovaChip. Qua chuyến khảo sát tình hình thực tế tại Mỹ, tác giả giới thiệu khái quát về công nghệ này và khả năng ứng dụng trong điều kiện nước ta.
Công nghệ NovaChip
Công nghệ NovaChip để tạo lớp phủ mỏng cho mặt đường, lần đầu tiên được giới thiệu và áp dụng tại Pháp vào năm 1986. Công dụng chính của công nghệ này là dùng để tạo ra lớp phủ mỏng, tạo nhám và độ bằng phẳng mặt đường trên các loại mặt đường cũ. Công nghệ NovaChip thường được sử dụng làm lớp phủ trên mặt đường có xe chạy với tốc độ cao, lưu lượng xe lớn, trên đường cao tốc và các đường quốc lộ quan trọng.
Công nghệ NovaChip được giới thiệu lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1990. Dự án đầu tiên sử dụng công nghệ NovaChip tại Mỹ được thực hiện vào năm 1992 tại bang Alabama với thiết bị rải được nhập từ Pháp. Trong cùng thời gian đó, nhiều đoạn đường thử nghiệm công nghệ NovaChip cũng được áp dụng ở các bang Mississipi và Texas. Đến nay, đã có 42 bang ở nước Mỹ sử dụng công nghệ NovaChip trong việc tạo lớp phủ mỏng mặt đường với diện tích trên 40 triệu m2 bề mặt các tuyến đường bộ.
Khi so sánh với công nghệ Flaxxipave (đã được hãng ESSO - Singapo giới thiệu tại Việt Nam và rải thí điểm 500 m trên đường Thăng Long - Nội Bài vào tháng 9.1994), có thể thấy sự giống và khác nhau giữa hai công nghệ này:
- Công nghệ Flaxxipave: Lớp phủ mỏng tạo nhám mặt đường có độ dày tối thiểu là 25 mm và bắt buộc phải dùng nhựa Polymer có tính bám dính đặc biệt trộn trực tiếp với cốt liệu đá. Giá thành 1 m2 lớp phủ mỏng dùng nhựa Flaxxipave đặc biệt gấp 1,3-1, 8 lần so với lớp phủ mỏng dùng nhựa thông thường. Tuổi thọ của lớp phủ mỏng dày 30 mm dùng nhựa Flaxxipave đặc biệt có thể đạt trên 10 năm. Tốc độ rải thông thường đạt từ 3-5 m/phút. Do hỗn hợp Flaxxipave nguội nhanh hơn nhiều so với hỗn hợp bêtông nhựa thông thường, nên hỗn hợp này phải được trộn nóng tại trạm và cự ly vận chuyển để rải không xa quá 20 km, sao cho nhiệt độ lu lèn sau khi rải phải đảm bảo trong khoảng 110-1600 C. Công nghệ này không đòi hỏi thiết bị rải đặc chủng.
- Công nghệ NovaChip: Lớp phủ mỏng tạo nhám mặt đường có độ dày tối thiểu đạt 12, 5 mm và chỉ cần dùng nhựa nóng thông thường để trộn với cốt liệu đá mà không cần sử dụng nhựa đặc biệt. Tuy nhiên, lớp lót trên mặt đường cũ lại cần dùng loại nhũ tương có tính bám dính đặc biệt (NovaBond) để tăng cường khả năng dính bám với mặt đường cũ. Giá thành 1 m2 lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip dày 15-20 mm có thể tương đương giá thành của lớp phủ mỏng dày 30-35 mm dùng nhựa thông thường. Tuổi thọ của lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip có thể đạt 8-10 năm, cự ly vận chuyển không xa quá 50 km, sao cho nhiệt độ lu lèn sau khi rải đảm bảo trong khoảng 110-1600 C. Công nghệ này đòi hỏi thiết bị rải đặc chủng và xe cấp nhũ tương nhựa có tính dính đặc biệt.
Những ưu điểm chính của công nghệ NovaChipN
- Sử dụng nhựa thông thường, không đòi hỏi nhựa đặc biệt nên giá thành rẻ.
- Tạo nên lớp chịu ma sát, bảo vệ mặt đường, có độ bằng phẳng và độ nhám cao.
- Lớp phủ mỏng có khả năng bám chặt với mặt đường cũ nhờ lớp lót dùng nhũ tương Polymer NovaBond đặc biệt có độ dính bám cao (đặc tính quan trọng nhất của công nghệ NovaChip).
- Lớp lót dùng nhũ tương đặc biệt NovaBond còn có tác dụng lấp kín và hàn gắn kẽ nứt mặt đường cũ, tạo nên độ chống thấm cao và ít tiêu hao khối lượng.
- Lớp phủ mỏng sử dụng thành phần hạt có cấp phối hở nên có khả năng hấp thụ nước khi trời mưa, hạn chế đáng kể hiện tượng các bụi nước văng dưới bánh xe, đồng thời giảm được độ ồn (tới 3 dBA) phát ra do bánh xe ma sát với mặt đường khi chạy.
- Sử dụng dây chuyền công nghệ rải hiện đại, năng suất cao, đạt 15-30 m/phút với vệt rải rộng 4-5 m.
Lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip bao gồm 2 phần chính: Phần lớp phủ mỏng dùng bêtông nhựa thông thường với thành phần hạt loại A,B, C và phần lớp lót rải trên bề mặt đường cũ (dùng nhũ tương đặc biệt NovaBond).
Có thể thấy rằng, so với các công nghệ khác đã được giới thiệu và sử dụng thí điểm ở Việt Nam, công nghệ NovaChip có nhiều ưu điểm nổi bật về mặt kỹ thuật, đồng thời thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới (nắng to, mưa nhiều...), công nghệ chế tạo hỗn hợp không đòi hỏi phức tạp.
Khả năng ứng dụng ở Việt Nam
Năm 2006, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã có dịp tham quan và học tập kinh nghiệm áp dụng công nghệ NovaChip của Mỹ, qua đó rút ra một số kinh nghiệm và kết luận sau:
Công nghệ NovaChip là một trong những công nghệ mới và tiên tiến để tạo lớp phủ mỏng mặt đường, đã và đang được áp dụng phổ biến ở Mỹ và các nước châu âu.
Lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip có phạm vi sử dụng rộng rãi, có thể tạo nên lớp phủ bảo vệ mặt đường mới trên các sa lộ nhưng chủ yếu được dùng trong duy tu - bảo dưỡng đường bộ, tạo nên các lớp phủ siêu mỏng và mỏng, đảm bảo độ bằng phẳng, độ nhám và tăng cường an toàn cho xe khi chạy trên đường.
Giá thành của lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip thấp hơn so với giá thành lớp phủ mỏng tạo nhám theo công nghệ Flaxxipave (Singapore). ưu điểm chính của công nghệ NovaChip là không đòi hỏi nhựa đặc biệt để chế tạo lớp phủ mỏng, chỉ cần sử dụng lớp lót dùng nhũ tương NovaBond có độ bám dính cao.
NovaChip có khả năng chống thấm rất tốt, do đó đối với mặt đường cũ bị nứt nẻ ở mức độ nhất định, sau khi rải lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip, mặt đường mới sẽ ổn định và ít chịu ảnh hưởng của các vết nứt cũ từ dưới lên.
Năng suất rải lớp phủ mỏng dùng công nghệ NovaChip rất cao, thời gian thông xe nhanh.
Do lớp phủ mỏng có độ nhám lớn, nên khi sử dụng trong điều kiện của nước ta sẽ loại bớt được tình trạng các xe thô sơ đi lấn sang phần đường dành cho xe cơ giới, tăng cường an toàn giao thông.
Khả năng ứng dụng công nghệ NovaChip vào điều kiện Việt Nam có tính khả thi cao, do trong nước rất sẵn các loại đá theo đúng yêu cầu của cốt liệu NovaChip; tự sản xuất được nhũ tương nhựa, không phải mua nhựa đặc biệt. Vấn đề còn lại chỉ là nhập bột hoá chất để pha trộn với nhũ tương để tạo ra chất NovaBond có tính dính bám đặc biệt và dây chuyền công nghệ thi công phù hợp.
Theo TCHDĐHK