Cuộc thi sinh viên NCKH và sáng tạo khởi nghiệp 2019 trường Đại học Đông Á

Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp 2019 Đại học Đông Á chứng kiến cuộc tranh tài hấp dẫn của 38 đề tài ứng dụng và khởi nghiệp đến từ các nhóm sinh viên nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Tham dự chương trình có đại diện Sở Khoa học và công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng và đại diện các doanh nghiệp liên kết cùng các chuyên gia khoa học và công nghệ Viện nghiên cứu ĐH Đông Á.

Trong đó, 10 phiên báo cáo trực tiếp là 10 mảng ghép nghiên cứu về các đề tài mang tính thực tiễn xã hội cao được chia thành 2 khối: khối Kỹ thuật và khối Xã hội. Đây cũng chính là những giải pháp dưới góc nhìn sinh viên thời đại hội nhập cho các vấn đề gần gũi với sinh viên, các vấn đề thời sự về an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là các vấn đề thiết thực với ngành nghề mà các bạn đang theo đuổi và mong muốn phát triển, khởi nghiệp trong tương lai.

Phát biểu tại chương trình, ThS. Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Á nhấn mạnh, “Nhà trường luôn đồng hành tạo môi trường đa dạng cho hoạt động NCKH của sinh viên, bởi đây chính là danh dự, giá trị, sự khác biệt của sinh viên trong giai đoạn CMCN 4.0. Sân chơi NCKH SV ngày càng thú vị, đầy sắc màu, trong đó là cả câu chuyện nỗ lực phát triển các đề tài NCKH không chỉ dừng lại ở một nghiên cứu ứng dụng mà còn mang tính sáng tạo khởi nghiệp cao và sự liên kết chặt chẽ của mô hình Nhà trường - Sinh viên – Doanh nghiệp trong phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng, các dự án khởi nghiệp,...”

ThS. Lương Minh Sâm cho biết, năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ĐH Đông Á cũng đã được thành lập với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Empire, Singapore. Đồng thời, từ năm 2019, Đại học Đông Á cũng quyết định dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp hằng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.

Đồng tình với mô hình liên kết Nhà trường - Sinh viên – Doanh nghiệp, ông Trần Minh Dõng – Phó chủ tịch HHDNNVV TP. Đà Nẵng chia sẻ thêm, việc phát triển NCKH trong sinh viên chiếm vị trí quan trọng trong việc rèn giũa kiến thức, kỹ năng và nhất là thái độ chuyên nghiệp, kỷ luật, tính sáng tạo cho SV trước khi gia nhập đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp.

Được biết, từ 63 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 38 đề tài chất lượng được đề cử tham gia tranh tài ở Cuộc thi sinh viên NCKH và sáng tạo khởi nghiệp 2019 ở hai hình thức trình bày gồm: 10 đề tài báo cáo oral, 28 đề tài trình bày poster. Năm học 2018-2019, 7 dự án khởi nghiệp và NCKH của sinh viên các ngành góp mặt tại các cuộc thi khởi nghiệp SV các cấp. Trường cũng triển khai 7 đề tài NCKH và đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc thi, nhóm SV ngành Công nghệ thực phẩm cho biết, từ hiệu quả kinh tế cao cùng khả năng lọc được nước, làm sạch môi trường đầm phá của rong nho, đề tài “Nuôi trồng & sản xuất rong nho tại vùng biển Lập An–Nam Ô” của nhóm ra đời và cũng là bắt đầu những bước đi đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp. Nhóm đã trồng thử nghiệm với tổng diện tích 200m2, 1m2 nuôi trồng khoảng 2-5kg rong nho giống. Mỗi tháng có thể thu hoạch 2 đợt. “Khi ổn định được đầu ra thì chúng tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm hơn (ngoài rong nho tươi, hai bạn còn nghiên cứu về sản phẩm khác như rong nho tách nước (được loại bỏ nước bằng phương pháp li tâm), rong nho khô (được làm khô bằng nhiệt độ và áp suất thẩm thấu của muối)”, SV Văn Quý Hợp – đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

Trước đó, Đại học Đông Á cũng đã nghiên cứu và thực hiện sản xuất thí điểm nấm linh chi Ganoderma lucidum trên nguyên liệu bã mía tại TP. Đà Nẵng. Sản phẩm được gởi đến Bộ Y tế - Viện Dược liệu Việt Nam để phân tích xét nghiệm và hàm lượng kháng ung thư terpenoid hoàn toàn giống nấm linh chi tự nhiên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định rõ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nấm trên bã mía - mô hình đã tận dụng được nguồn phế liệu tại địa phương để tạo ra sản phẩm nấm có chất lượng và đảm bảo an toàn để phục vụ cộng đồng.

Tập thể SV Khoa CNTP đã tiến hành xây dựng một quy trình trồng nấm linh chi đỏ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu xử lý nguyên liệu đến thu hoạch. Dựa trên mô hình sản xuất đó, khoa định hướng cho sinh viên tiếp tục nghiên cứu sản xuất trà túi lọc Linh chi đỏ để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học này. Từ đây, sản phẩm trà linh chi đỏ với các hoạt chất kháng ung thư được phổ biến rộng rãi trong lòng người tiêu dùng với cách sử dụng đơn giản, mẫu mã đẹp mắt. Sản phẩm cũng được đăng ký giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ với Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh để sản xuất trên quy mô lớn.

Tháng 3/2019, Đại học Đông Á cùng một số trường đại học trên địa bàn, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Hội doanh nhân trẻ thành phố, Hội nữ doanh nhân thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết thỏa thuận về hợp tác liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 

Thanh Bình - Làm báo