Đại lộ Thăng Long dài gần 30km, được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2010. Đây được coi là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sau gần nửa năm thông xe, đại lộ này đã bị xuống cấp, nhiều vết nứt, gãy, lún… kéo dài hàng chục mét cắt ngang mặt đường.
Một vết nứt trên mặt đại lộ Thăng Long
Theo quan sát, đoạn đại lộ Thăng Long ngay cạnh Công viên Thiên Đường Bảo Sơn hướng từ trung tâm thành phố đi Sơn Tây, mặt đường xuất hiện những vết nứt ăn sâu xuống lòng đường. Miệng của những vết nứt này rộng khoảng 5 đến 7cm, lọt vừa bàn tay người lớn. Và những vết nứt này đang tiếp tục có nguy cơ “ăn” rộng sang 2 bên.
Nguy hiểm hơn, ngay cạnh những vết nứt còn có gờ sóng trồi hẳn lên mặt đường. “Thời gian đầu chúng tôi chạy trên tuyến đường này rất thích nhưng vài tháng trở lại đây tuyến đường này rất xóc. Nhiều lần chạy qua những “sống trâu”, cả chiếc xe hàng chục tấn của tôi như bay trên không. Còn đầu thì đập bôm bốp vào trần xe”, anh Nguyễn Văn Minh người Thạch Thất, tài xế chạy xe tải trên tuyến đường này, miêu tả cảm giác “bay” trên đại lộ Thăng Long.
Không chỉ vậy, nhiều điểm trên tuyến đại lộ này còn xuất hiện ổ gà, ổ voi, có chỗ sâu hơn cao độ mặt đường gần 10cm. “Chỉ vài hạt mưa, những “cái ao” cũng đã xuất hiện trên mặt đường”, anh Phạm Văn Thành, một lái xe, cho hay.
Tình trạng lún, nứt đã được lường trước
Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT), ông Hồ Ngọc Loan, cho biết hai vết nứt trên đại lộ Thăng Long mới được phát hiện. “Các vết nứt đó chủ yếu nằm khu vực đầu cầu, khe co giãn ở đoạn đường vừa mới thông xe. Khu vực này nằm trong vùng đất yếu, lún không đều gây ra rạn nứt”, ông Loan nói.
Khu vực xuất hiện vết nứt
Theo ông Loan, do thời gian bảo hành Đại lộ Thăng Long vẫn còn nên trách nhiệm xử lý thuộc về đơn vị thi công. “Ban quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu Vinaconex (đơn vị thi công - PV) xử lý ngay những vết nứt và tiếp tục quan trắc, theo dõi. Hiện nay, Vinaconex đã xử lý xong một vết nứt. Vết nứt còn lại bên thi công đang đợi đơn vị tư vấn (Viện khoa học GTVT) đề ra phương án khắc phục, có thể trong tuần này xử lý xong”, ông Loan cho biết tiến độ xử lý vết nứt trên đại lộ Thăng Long.
“Theo thiết kế là không có vấn đề gì nhưng có thể khi thi công chưa đảm bảo yêu cầu nên mặt đường bị xé ra dẫn tới gây nứt gãy phần bê tông nhựa. Tuy nhiên, có thể nói đơn vị này cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thi công cầu đường như những đơn vị của ngành giao thông”, ông Loan nhận định và cho biết, trong quá trình thi công Vinaconex cũng đã nỗ lực bảo đảm chất lượng tốt nhất cho công trình.
Về những điểm lún trên mặt đại lộ Thăng Long, theo ông Loan là do đường chạy qua những vùng đất yếu nên quá trình thiết kế và thi công, Bộ GTVT đã lường trước được vấn đề. “Đất yếu có khả năng còn lún và phải chờ từ 6 đến 12 tháng nữa, khi những vùng này ổn định chúng tôi sẽ thảm tiếp bê tông nhựa tạo nhám trên mặt đường”, ông Loan nói.
Ông Loan cho rằng, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như nước ta hiện nay, việc xử lý triệt để vùng đất yếu là rất khó vì chi phí đầu tư lớn. Do vậy, các bên liên quan đến dự án đã lựa chọn giải pháp vừa phải, chấp nhận đường lún theo thời gian.
Đại lộ Thăng Long có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng. Đây là dự án chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuyến đường nối các khu đô thị với trung tâm, tổng chiều dài hơn 29km, bề rộng mặt cắt ngang tuyến đường là 140m. Đây cũng là đường cao tốc hiện đại với 6 làn đường gồm: 2 đường gom, 2 đường cao tốc, 2 đường hầm và 13 cầu vượt ngang đường.
|
Sưu tầm