Hiện tượng mất ổn định mái dốc nền đào có chiều cao lớn (mái dốc tự nhiên của đường vùng núi) thường gắn liền với các điều kiện địa hình, địa chất và địa chất thủy văn rất phức tạp...
1. Tổng quan về Bảo vệ mái dốc nền đào
Hiện tượng mất ổn định mái dốc nền đào có chiều cao lớn (mái dốc tự nhiên của đường vùng núi) thường gắn liền với các điều kiện địa hình, địa chất và địa chất thủy văn rất phức tạp. Sự mất ổn định của mái dốc ở mức độ nhẹ có thể gây tắc đường hoặc nghiêm trọng hơn có thể phá hoại nền đường. Do vậy, việc đảm bảo sự ổn định mái dốc là điều hết sức cần thiết.
Để bảo vệ mái dốc nền đào cần phải phân biệt rõ các hiện tượng, các loại hình phá hoại và các nguyên nhân gây mất ổn định mái dốc; từ đó đề ra các biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý.
1.1. Phân loại các hiện tượng mất ổn định mái dốc nền đào (vùng núi)
Nói chung, thường được phân làm ba loại lớn: sụt lở (đất đá), trượt (đất đá), trôi (đất đá).
1.1.1. Sụt lở
Là hiện tượng đất đá trên sườn dốc hoặc trên mái dốc chuyển dịch về phía dưới không theo một mặt tựa rõ rệt (hoặc là không có mặt trượt) và không duy trì nguyên khối; đất, đá có thể rơi tự do, lăn, đổ… một cách đột ngột tức thời nhưng cũng có thể lở, tróc dần, tích tụ lại phía dưới chân dốc.
1.1.2. Trượt
Là hiện tượng đất đá trên sườn dốc và mái dốc chuyển dịch xuống phía dưới chân dốc theo một hoặc vài mặt trượt rõ rệt, thường với tốc độ chậm, trừ phi ở giai đoạn cuối có thể đột ngột di chuyển nhanh.
1.1.3. Trôi
Trôi là hiện tượng đất đá chảy thành dòng trên sườn dốc xuống phía dưới. Dòng đất đá có thể bao gồm đá tảng, đá hòn, cuội sỏi, cát và đất. Tùy theo chứa lẫn nước khi trôi, thường phân biệt hai trường hợp: dòng đất đá khô và dòng ướt.
1.2. Nguyên nhân chung làm phát sinh và phát triển các hiện tượng mất ổn định mái dốc và Nguyên tắc phòng chống
1.2.1. Nguyên nhân
Các yếu tố thiên nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, địa mạo, địa chất động lực) và các yếu tố do hoạt động con người (biến đổi điều kiện tự nhiên vốn có) gây nên sự giảm yếu cường độ liên kết kiến trúc, giảm sức kháng cắt (chống trượt) của đất đá, tăng trọng lượng bản thân khối đất đá (tăng lực gây trượt) Þ sự mất ổn định mái dốc.
1. Nhóm nguyên nhân làm giảm yếu sức kháng cắt (chống trượt) của đất đá
Các nguyên nhân thuộc về bản chất đất, đá: Đất đá thuộc loại yếu, dễ phong hóa, dễ hóa mềm khi gặp nước; các lớp đất đá có cấu tạo xen kẽ các lớp yếu.
Các yếu tố thúc đẩy quá trình phong hóa và quá trình biến đổi hóa lý: sự dao động nhiệt độ làm phá vỡ kết cấu đất đá; sự thủy hóa, sự hấp phụ nước của các khoáng vật sét khi tăng độ ẩm; nước ngầm hòa tan và mang đi các thành phần dễ hòa tan có trong đất đá (muối cacbonat, sunfat,…)
Các nguyên nhân về địa hình, địa mạo: độ dốc của mái dốc lớn, mái dốc trơ trụi ít cây cỏ làm đất đá dễ bị xói mòn, dễ bị phong hóa Þ sự mất ổn định mái dốc.
2. Nhóm các nguyên nhân tăng lực gây trượt
Các nguyên nhân là tăng tải trọng trên mái dốc (đào): nước mặt và nước ngầm thấm đầy lỗ rỗng đất đá; đất đá trượt, sụt lở từ phía trên rồi tích lại trên sườn dốc.
Các nguyên nhân gây phá hoại chân mái dốc đào: dòng nước mặt mùa lũ chảy xói chân mái dốc; không gia cố rãnh biên quá dốc dẫn đến xói chân mái dốc.
Các nguyên nhân gây chấn động đất đá: Động đất, nổ mìn khai thác đá hoặc xây dựng đường, …
* Nhận xét: Sự mất ổn định mái dốc thường xảy ra do tổng hợp nhiều nguyên nhân, do đó khi phân tích ổn định mái dốc cần phân tích các hiện tượng, sự kiện xảy ra lúc mái dốc mất ổn định và trong suốt quá trình trước đó; cần điều tra môi trường xung quanh chứ không phải chỉ chú ý đến điều kiện riêng tại chỗ mái đất mất ổn định.
1.2.2. Nguyên tắc bảo vệ mái dốc (nền đào)
Khảo sát và phân tích nhằm xác định rõ các điều kiện và nguyên nhân gây nên hiện tượng mất ổn định mái dốc.
Thông thường các hiện tượng mất ổn định mái dốc do tổng hợp nhiều nguyên nhân, vì thế cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật.
Các giải pháp bảo vệ mái dốc tuy phong phú nhưng giải pháp được chọn phải là phương án hợp lý nhất đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật - kinh tế - xã hội - môi trường.