Bạn cần xử lý như thế nào khi hiện tượng sơn tường bị rạn nứt và để vết nứt không lan rộng làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như chất lượng của công trình. Hãy tham khảo những giải pháp dưới đây, sẽ rất hữu ích giúp bạn khắc phục tình trạng trên.
1. Hãy xử lý khi vết nứt sơn tường nhỏ
Nên sử dụng loại sơn chống thấm tốt giúp xử lý dứt điểm tình trạng nứt
Khi bề mặt lớp sơn tường chỉ là những vết nứt nhỏ không bị ăn sâu vào bên trong tường gạch thì việc xử lý sẽ đơn giản hơn nhiều. Hiện tượng này là do nguyên nhân khi bức tường gạch quá khô nhưng vẫn tô, hồ tô quá mỏng, hồ trộn không đều không dưỡng hộ hoặc cũng có thể do việc xử lý sơn nước không đảm bảo kỹ thuật. Cách khắc phục là chúng ta sẽ đục lớp hồ cũ dọc theo các vết nứt, xử lý cho thật kỹ, để tường đủ ẩm và tô lại bằng vữa già xi măng trộn với cát mịn. Lưu ý, bạn nên sử dụng loại sơn chống thấm tốt để xử lý chúng thật kỹ để điều trị dứt điểm tình trạng rạn nứt. Chọn loại sơn tốt để đảm bảo chất lượng cho công trình nhé.
2. Xử lý khi vết nứt sơn tường lớn
Nếu khi bạn phát hiện những vết nứt của sơn khá lớn thì phải nhanh chóng xử lý trước khi chúng lan rộng nhiều hơn. Với hiện trạng này mọi người cần sử dụng vữa để trám những vết nứt hay các lỗ hổng trên bề mặt để tạo sự bằng phẳng cho chúng. Bột trét tường chuyên dụng có khả năng kháng kiềm sẽ là lựa chọn hợp lý cho trường hợp này. Sau đó, cần phải chuẩn bị bề mặt sơn sạch sẽ, nhẵn mịn và nhất là độ ẩm phải dưới 16%. Tiếp sau đó sẽ phủ lớp sơn lót chống kiềm, để sơn khô và phủ từ 1 - 2 lớp sơn chống thấm lên trên.
3. Khi vết nứt sơn tường sâu
Hãy chú ý với vết nứt sơn tường sâu cần sửa chữa ngay
Tình trạng nặng nhất của lớp sơn tường bị nứt chính là nứt sâu vào lớp gạch xây dựng bên trong, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do kỹ thuật xây không đúng và không đảm bảo kỹ thuật, cũng có thể do không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường, xử lý hồ dầu và ẩm không đúng... Trường hợp này, bạn khó có thể tự mình khắc phục được nếu không có sự am hiểu cũng như các thiết bị chuyên dụng. Tốt nhất chúng ta nên liên hệ với những đơn vị chuyên sửa chữa nhà để đảm bảo chất lượng.
4. Xử lý hết vết nứt ở đầu cửa và bất cứ đâu
Nguyên nhân của hiện tượng nứt ở mép cửa đi, cửa sổ do đà lanh tô cửa không đủ dài, không đủ đoạn neo gối và cũng có thể do khi sử dụng chúng ta đóng/mở cửa quá mạnh. Để khắc phục hiện tượng này cần phải đục để lấy đà lanh tô ra và thay vào loại đà dài hơn mới đảm bảo. Nếu bạn chỉ đắp vữa vào thì sau một thời gian sử dụng nó sẽ lại xuất hiện hiện tượng trên.
Với những vết nứt nghiêng trên tường nguyên nhân chính là do công trình đã bị sụt lún do móng yếu. Việc sửa chữa những vết nứt này sẽ rất tốn kém và khó khăn hơn những vết nứt khác do bạn phải chống lún cho công trình.
Theo Tạp chí xây dựng