Theo giáo sư Ngô Bảo Châu, cơ hội học từ cuộc sống rất nhiều trong khi cơ hội học đại học có rất ít, nếu bạn bỏ lỡ sau này sẽ phải trả giá cao hơn.
Học đại học để làm gì?
- Cháu sinh ra ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, là một trong những sinh viên học đại học đầu tiên của xã. Từ khi đi học cháu đã động viên được nhiều bạn học đại học theo mình. Nhưng với tình hình thất nghiệp như hiện nay, cháu có nên tiếp tục động viên các em đi học đại học nữa không, trong khi cháu ra trường đã lâu mà bằng vẫn cất gọn trong hòm? (Giàng A Phai, 26 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Đây là vấn đề nhức nhối, được xem như triệu chứng lâm sàng của đại học hiện nay. Bối cảnh chung hiện nay có nhiều vấn đề, trong đó dễ nhìn thấy nhất là sinh viên đại học tốt nghiệp ra khó tìm việc làm. Để trả lời câu hỏi của bạn ở Sơn La, tôi nghĩ rằng trong mọi bối cảnh, việc khuyến khích học đại học là cần thiết, nhưng cần xác định học cái gì và học ở đâu.
Có hai khía cạnh. Thứ nhất, các em khi thi vào đại học cần suy nghĩ chín chắn hơn về lựa chọn của mình. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về ngành học, phần trăm tỷ lệ tìm được việc làm để bạn trẻ và gia đình có định hướng đúng trong lựa chọn ngành nghề.
TS Phạm Thành Nam: Tâm lý của bạn ấy đi học là đổi đời? Cứ đi ra là sẽ đổi đời nhưng thực tế không phải như vậy.
GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ đổi đời không thể quan niệm như vậy. Trong xã hội Việt Nam truyền thống bằng cấp có thể để vinh danh, xã hội hiện đại khác. Bằng đại học không đảm bảo cho bất kỳ ai một cuộc sống dễ chịu, tuy nhiên vào đại học lại là một lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện cho bạn tiếp xúc với cuộc sống khác, để hòa nhập cuộc sống hiện đại.
- Cháu học hết cấp 3 phải đi làm công nhân, sau đó thi vào hệ vừa học vừa làm. Thật sự lúc đó cháu chỉ cố thi để mong tương lai tốt đẹp hơn. Tuy vậy, công việc hiện tại chỉ để nuôi sống chứ không đem lại niềm vui, đam mê và sáng tạo. Nhờ giáo sư tư vấn giúp cháu con đường tìm lại đam mê và sống với đam mê đó, tránh lặp lại những sai lầm lớn đã qua. (Ngọc Ánh, 32 tuổi, 8/19 Nguyễn Trung Trực, Bình Thạnh)
GS Ngô Bảo Châu: Lựa chọn quan trọng của cuộc đời mỗi người là phù hợp với nguyện vọng, chí hướng của bản thân, nhưng điều này không đơn giản. Thực tế, môi trường thông tin từ Nhà nước cũng như báo chí hiện cung cấp cho người dân không đủ.
Bạn còn trẻ, mới 32 tuổi vẫn còn thời gian để lựa chọn hướng đi thích hợp với đam mê. Tất nhiên chúng ta không ảo tưởng rằng việc thay đổi cuộc sống đơn giản. Với lựa chọn thứ hai, cái giá bạn phải trả lớn hơn, vì vậy cần cân nhắc có sẵn sàng để trả giá hay không. Nếu bạn quyết tâm và đủ khả năng đi học lại theo đúng nguyện vọng thì nên có đầy đủ thông tin hơn.
- "Học đại học làm gì khi đã có Internet" - Theo giáo sư câu này có áp dụng với Việt Nam được không, khi mà công ty nào đăng tuyển cũng luôn có điều kiện: "Bằng tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành". Xin giáo sư cho biết sự khác nhau giữa người học qua đại học và người tự học trong cuộc sống, xét trong điều kiện cả hai đều chăm chỉ, chịu khó tìm tòi? (Phạm Quang Hưng, 30 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Tôi vẫn nghĩ có một bằng đại học là lợi thế cạnh tranh không nhỏ, nhưng việc thành công trong sự nghiệp hay không lại là chuyện khác. Một số người có tố chất đặc biệt hoàn toàn có thể thành công trong nhiều lĩnh vực như Bill Gate, Steve Job, hoặc người bạn của tôi bỏ học giữa chừng mà không cần đại học. Nhưng họ cần có tố chất đặc biệt để vượt qua lợi thế cạnh tranh của bằng đại học. Học đại học là cái giá phải trả về cả tài chính và thời gian. Bạn có thể khởi nghiệp khi còn trẻ, nhưng tôi nghĩ nó không áp dụng cho quá nhiều người.
Có một điểm cần cân nhắc là cơ hội để học từ cuộc sống rất nhiều, nhưng cơ hội để học đại học chỉ có một lần. Nếu bạn quyết định không học thì sau này khi muốn học cái giá phải trả sẽ cao hơn.
- Đại học "đại trà" có phải là con đường duy nhất để nâng cao dân trí? Có thể sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí khi các em lựa chọn đúng nghề và không cần qua con đường đại học phải không giáo sư? (Nguyễn Hữu Phục, 28 tuổi, Cầu Kè, Trà Vinh)
GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ là có. Vấn đề tôi muốn nói rộng hơn một chút giữa cách học đại học Việt Nam tương đối chuyên sâu (ít nhất về danh nghĩa), ví dụ Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế hoặc Đại học Phòng cháy chữa cháy. Trong khi các trường đại học lớn ở một số nước là học chung với tôn chỉ mục đích trang bị cho sinh viên vốn văn hóa đủ sâu, rộng để đối mặt với nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống.
Ở Việt Nam kết quả đầu ra dù trên nguyên tắc chuyên sâu nhưng thực chất lại không sâu lắm, không làm việc gì cụ thể, trong khi lại thiếu phông văn hóa chung để phù hợp hơn với hoàn cảnh mới. Tôi cho rằng rất cần nhiều hình thức đào tạo khác nhau, cả chuyên sâu hoặc đào tạo phông văn hóa chung.
TS Nguyễn Thành Nam: Vậy phải dùng tiêu chí nào để đánh giá trình độ dân trí, có phải là chỉ số sinh viên đại học trên 1.000 dân?
GS Ngô Bảo Châu: Nó cũng chỉ là một trong nhiều chỉ số thôi. Ví dụ chỉ số lượt đọc sách. Một đất nước không có thưởng thức văn hóa nghệ thuật thì không thể nói nước đó có văn hóa cao được, dù 90% có bằng đại học. Đó là tiêu thụ văn hóa. Sáng tạo văn hóa cũng là một chỉ số.
- Cháu là học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Cháu (và cả bố mẹ nữa) luôn xác định học đại học là bước hoàn thiện kiến thức cho mình. Dù trước mắt chưa xác định "học đại học để làm gì" nhưng cháu vẫn quyết tâm vào đại học và sẽ tiếp tục học lên cao nữa. Bởi cháu nghe nói người có kiến thức sâu, học vị cao chưa chắc thành đạt nhưng người thành đạt thì đều có kiến thức sâu, học vị cao. Xin giáo sư cho cháu thêm lời khuyên? (Kiên Cường, 16 tuổi, Hà Nội)
GS Ngô Bảo Châu: Tôi đồng tình với suy nghĩ đầu tiên của bạn. Thật ra câu hỏi học để làm gì không hay lắm, tôi nghĩ rằng mỗi người cần làm sao đó cho mình ngày càng tốt hơn, càng hiểu vấn đề thông suốt rõ ràng hơn. Học là việc tự nhiên chứ không để làm gì khác, tất nhiên không thể bỏ qua mưu sinh, nhưng phải nghĩ đến việc học là mục đích, chứ không coi là phương tiện để làm việc khác.
Như bạn nói học để hoàn thiện kiến thức của mình cũng là để hoàn thiện bản thân. Giống như việc tập võ để rèn luyện bản thân, chứ không phải để đánh nhau.
- Mọi người đang bị đầu độc bởi tư tưởng học để kiếm tiền. Cháu rất muốn định nghĩa lại chữ "học" nhưng cháu không đủ ngôn từ và lý lẽ. Cháu cần giáo sư giúp? (Nguyễn Thị Mai, 26 tuổi, Bình Thuận)
GS Ngô Bảo Châu: Tôi vừa nói rồi, học là quá trình tự nhiên của con người, là phương pháp duy nhất hoàn thiện bản thân, cũng là tôn chỉ mục đích cuộc sống phải hoàn thiện bản thân trong nội tại lẫn hòa nhập xã hội. Tôi cho rằng việc kiếm được tiền để cuộc sống thoải mái dễ chịu là hệ quả của việc tự hoàn thiện bản thân. Nếu thật sự học để hoàn thiện bản thân thì kiểu gì cũng kiếm được tiền.
TS Nguyễn Thành Nam: Giáo sư có thể nói rõ hơn là học cái gì không?
GS Ngô Bảo Châu: Trong việc học, ngoài trang bị kiến thức còn học để thay đổi thế giới quan của mình nữa. Nếu chỉ nghĩ bản thân hoàn thiện bằng con mắt chủ quan thì rất dễ dẫn đến sai lầm. Sự hoàn thiện hay không phải đo bằng đánh giá khách quan của những người khác. Mỗi người luôn đối mặt với việc người ta đánh giá thế nào và phải coi việc người ta đánh giá mình là điều quý giá để biết mình hoàn thiện hay không. Việc học cũng luôn cần được người khác đánh giá.
- Lúc trước khi vào đại học, ông có nghĩ học đại học để làm gì? (Lữ Bình, 63 tuổi, Bạc Liêu)
GS Ngô Bảo Châu: Không. Việc nghiên cứu toán tôi nghĩ đến rất sớm, bởi từ cấp 2 tôi đã mê học toán, nên định hình hướng nghiệp không phải vấn đề. Thật ra đến đại học tôi lại lung lay vì thích tin học, sau 3 tháng thực tập tôi bỏ ý định đó và tập trung vào toán.
- Giáo sư hãy gợi ý giải pháp thay đổi tâm lý bằng cấp tại Việt Nam (Phạm Văn Long, 45 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Tâm lý của cha mẹ muốn con có bằng cấp cao hơn là bình thường và tốt thôi, không cần thay đổi, cá nhân tôi cũng muốn vậy. Cái cần thay đổi xuất phát từ quy định của nhà nước, ví dụ yêu cầu cán bộ cấp sở phải có bằng thạc sĩ. Quy định kiểu như vậy là không hợp lý, cần thay đổi.
Học cái gì để không thất nghiệp?
- Phổ thông nên dạy cái gì và học cái gì, đại học nên dạy và học cái gì để khi ra trường có thể đáp ứng công việc chuyên môn và nâng cao trình độ học vấn? (Đinh Văn Lập, 36 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Tôi muốn đặt vấn đề khác với câu hỏi của bạn. Cuộc sống vô cùng đa dạng, nhân tố con người cũng rất đa dạng, nên nền giáo dục tiên tiến và nhân văn cũng rất đa dạng để phù hợp cho các lựa chọn khác nhau của con người. Và chính sự đánh giá của thị trường, xã hội sẽ có tính chất sàng lọc.
- Đa số nhà tuyển dụng tại Việt Nam luôn gán tiêu chí như sau: Đại học chính quy, loại giỏi, Anh văn bằng C hoặc tương đương khi tuyển. Những người không có bằng đại học phải làm sao để tồn tại? (Nguyễn Hoàng Phúc, 38 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Mỗi doanh nghiệp thường dựa vào tiêu chí nhất định để tuyển dụng. Nhưng tôi nghĩ người có gan bỏ qua trường đại học chắc chắn cũng có gan khởi nghiệp và tồn tại chứ không nhất thiết phải đi tuyển dụng.
TS Nguyễn Thành Nam: Có thể bạn này lo quá. Thực tế một số doanh nghiệp đưa tiêu chuẩn cao lên so với nhu cầu thật.
GS Ngô Bảo Châu: Doanh nghiệp lớn có tiêu chí khác với doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ sẽ đối diện gặp gỡ con người để có thể hiểu người tuyển dụng. Doanh nghiệp nên nói chuyện trực tiếp, vì nếu qua hồ sơ có người làm việc tốt, có người không.
- Sinh viên mới tốt nghiệp đại học nên học tiếp cao học hay nên đi làm để tích lũy kinh nghiệm? (Lương Thế Hùng, 24 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Tùy vào hoàn cảnh thôi, không có lựa chọn chung được. Nếu bạn có thiên hướng muốn nghiên cứu thì có thể nộp đơn làm tiến sĩ ở đâu đó. Thường tôi hiểu chẳng hạn học thạc sĩ quản trị kinh doanh thì đa số đi làm để có kinh nghiệm tích lũy tài chính rồi mới quay lại đi học thạc sĩ.
TS Nguyễn Thành Nam: Cũng có người hỏi tôi nên làm tiếp tiến sĩ hay học rồi quay lại làm và học trong nước hay nước ngoài?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi vẫn nghĩ tùy cá nhân của họ và tùy khả năng, ngoài ý nguyện còn khả năng nữa để lựa chọn cho bản thân thật tốt. Tiến sĩ khoa học trong hoàn cảnh hiện tại nên đi học nước ngoài. Xin phép nói hơi rộng vấn đề nhức nhối Việt Nam là đào tạo tiến sĩ, hiện có một vài quan niệm sai lầm như học tiến sĩ là đi học và sinh viên không có học bổng. Theo tôi, phải coi tiến sĩ là đi làm, và họ phải có mức thu nhập.
TS Nguyễn Thành Nam: Nếu trả lương bạn đỡ suy nghĩ?
GS Ngô Bảo Châu: Chính xác. Vì thế phải cơ cấu lại đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Định hướng nghề nghiệp như thế nào?
- Để tránh tình trạng học sinh hoang mang, thụ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp thì bản thân học sinh nên làm gì. Vai trò của gia đình và các ban ngành như thế nào? (Nguyễn Linh Trang, 32 tuổi, TP. Phủ Lý - tỉnh Hà Nam)
GS Ngô Bảo Châu: Xã hội cần cung cấp nhiều hơn thông tin về đánh giá các trường. Đây là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Thông tin này gồm tỷ lệ sinh viên đầu ra tìm việc làm sau một năm ra trường, trung bình thu nhập... Đây là thông tin không khó để có được nên cần thu thập và công bố.
Ngay cả những thông tin khác như môi trường học tập, hiện có một số đo như đánh giá về số giường ký túc xá, diện tích học đường. Ngoài ra, còn thông tin định tính hơn như cuộc sống dễ chịu không, học ở đó có thích không. Thông tin này tôi nghĩ các hội sinh viên nên chủ động đánh giá công bố, nên vượt qua tâm lý lo ngại thông tin bất lợi cho mình. Nếu coi việc hoàn thiện bản thân là mục đích thì các trường học phải chấp nhận để người khác đánh giá mình, kể cả học sinh, chứ nếu trong tình trạng bảo vệ uy tín bằng mọi giá thì rất khó.
TS Nguyễn Thành Nam: Phụ huynh có thể giúp đỡ gì?
GS Ngô Bảo Châu: Tùy vào thông tin trường, ở Mỹ bố mẹ năm lớp 11-12 sẽ dẫn các con đến thăm trường, ký túc xá, nói chuyện với thầy cô để có cảm nhận cụ thể hoặc tạo mối quan hệ với sinh viên cùng quê... Khi chưa có con số thống kê thì chúng ta phải tự tìm thông tin qua những nhân chứng cụ thể.
- Làm cha mẹ phải định hướng như thế nào cho con để lớn lên con sẽ phát huy khả năng, trở thành người thành công có ích cho gia đình và xã hội? (Nguyễn Thị Hiệp, 39 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Nhà trường là xã hội đầu tiên của trẻ khi bước vào lớp 1, nên để các em chơi và học thoải mái, không nên gây áp lực về điểm, thành tích. Tôi tán thành việc không chấm điểm cho học sinh cấp 1. Đến cấp 2, cấp 3 mới nên để học sinh tiếp xúc với sự khốc liệt của cuộc sống một cách từ từ.
Vai trò của cha mẹ lớn nhất không phải là hướng nghiệp cho trẻ mà giúp các em tự hướng nghiệp. Với học sinh cấp 2, thậm chí cấp 3 cũng rất khó để định hướng công việc. Vì vậy nên thường xuyên nói chuyện với các em, cho các em thử nghiệm nhiều hoạt động, qua đó mới phát hiện được thiên hướng của các em.
Có nhiều em may mắn khi thiên hướng được xác định bởi gia đình, chẳng hạn gia đình nghệ thuật, bố mẹ chơi đàn thì các em yêu nhạc từ sớm, hay gia đình bác sĩ... Trong trường hợp khác thì để các em có nhiều môi trường tự hướng nghiệp cho mình.
TS Nguyễn Thành Nam: Có quá nhiều lựa chọn, làm sao để biết được đâu là lựa chọn đúng?
GS Ngô Bảo Châu: Từ rộng đến hẹp dần, hãy bắt đầu từ việc tham gia các câu lạc bộ khoa học. Chẳng hạn, con gái thứ hai của tôi muốn theo học bác sĩ. Tôi rất ủng hộ, khi về Việt Nam tôi đưa cháu đi đến bệnh viện và tham gia một số hoạt động tình nguyện với những người bạn bác sĩ của tôi. Tôi rất vui khi có thể truyền cảm hứng cho cháu thông qua việc giúp đỡ cháu tìm hiểu công việc.
Nên học trong nước hay du học?
- Nếu chọn con đường du học, hoặc tốt hơn nữa định cư và học tập bên Mỹ luôn, tương lai có tốt hơn không ạ? (Nguyễn Công Thành, 18 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Một lần nữa, câu trả lời của tôi là tùy thuộc vào điều kiện mỗi người. Cuộc sống phương Tây có những điều kiện tốt hơn để phát triển tố chất mỗi người. Tuy nhiên, ví dụ bạn thích ăn phở hàng ngày thì lựa chọn đi Mỹ không phải là tối ưu. Do vậy, tôi không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này.
TS Nguyễn Thành Nam: Có người cho rằng đi du học mà mình rơi vào top trên hoặc top dưới thì đều nên trở về. Bởi vì nếu top trên thì chắc chắn ở nhà vẫn có thể làm nên chuyện. Còn top dưới thì tất nhiên là kém quá nên phải trở về.
GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ là những người hướng nghiệp chuyên môn sâu về toán, vật lý, văn chương cần cấu trúc xã hội ổn định để phát triển nhân tố của mình thì lựa chọn phương Tây hợp lý hơn. Còn người có muốn phiêu lưu, mạo hiểm, muốn làm một điều gì đó mới thì chưa chắc ở Việt Nam đã kém hơn phương Tây. Những người này họ chấp nhận rủi ro và nhiều thử thách.
- Điểm khác biệt giữa chương trình đại học các nước tiên tiến với chương trình đại học của Việt Nam? (Phạm Công Nghiệp, 27 tuổi, Cần Thơ)
GS Ngô Bảo Châu: Điểm khác biệt cơ bản là chương trình dạy học ở các nước tiên tiến linh hoạt hơn nhiều so với Việt Nam. Các trường Mỹ, mỗi sinh viên được xây dựng và lựa chọn cách học riêng dựa trên cơ sở trường đưa ra; còn sinh viên Việt Nam gần như không có lựa chọn.
Chẳng hạn Đại học Chicago (Mỹ), một số môn tín chỉ được chia làm 3 phần, một phần bắt buộc; một phần tín chỉ chuyên môn và một phần được tự chọn... Giảng viên tư vấn cho học sinh để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nhưng mỗi môn có số lượng nhất định, nên sinh viên phải đăng ký sớm và cạnh tranh vào khóa đó.
Bên cạnh đó, thời gian tự học của sinh viên nước ngoài nhiều hơn Việt Nam, bằng cách đến gặp trực tiếp thầy giáo. Còn Việt Nam thời gian trên giảng đường quá nhiều.
TS Nguyễn Thành Nam: Chicago có cơ sở tốt, nếu Việt Nam có cơ sở tốt vẫn có thể thực hiện được?
GS Ngô Bảo Châu: Có thể. Vấn đề là cả sinh viên và giáo viên phải quan niệm đại học là động cơ cho nghiên cứu khoa học chứ không hẳn là giảng dạy. Hai phần tương hỗ một cách hữu cơ không tách rời. Thực tế ở Việt Nam, 90% giảng dạy, nên giảng viên dạy nhiều, sinh viên học nhiều quá.
TS Nguyễn Thành Nam: Vậy có thể lồng ghép?
GS Ngô Bảo Châu: Không thể, vì việc nghiên cứu ảnh hưởng lớn giảng dạy nên không thể lồng ghép.
TS Nguyễn Thành Nam: Trường đại học ở các nước tiên tiến không phải chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn cao hơn?
GS Ngô Bảo Châu: Đại học ở các nước tiên tiến là nơi lưu trữ di sản văn hóa xã hội, không làm kiến thức chết mà là kiến thức sống và luôn phát triển. Đó là vai trò lớn và cơ bản của trường đại học, trong đó có cả giảng dạy và nghiên cứu, đều thể hiện sứ mệnh chung này.
- Em là cựu du học sinh, về nước 5 năm thấy hệ thống hiện tại chưa sẵn sàng tiếp nhận những thứ mình học nên muốn quay lại nơi từng du học. Đây là xu hướng chung của nhiều du học sinh. Yếu tố nào thúc đẩy giáo sư về Việt Nam? (Vũ Mạnh Cường, 32 tuổi, 64B Hàng Bồ)
GS Ngô Bảo Châu: Khi các bạn trẻ muốn phát triển tố chất đặc biệt của mình, dù là khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, nghệ thuật... thì xã hội phương Tây được tổ chức tốt hơn, bài bản hơn để bảo vệ các nhân tố đó phát triển trong điều kiện thuận lợi hơn ở Việt Nam. Cấu trúc xã hội hiện tại ở Việt Nam làm các bạn trẻ phải tự xoay xở nhiều hơn so với ở nước ngoài. Nhưng vì là xã hội mở nên cơ hội để cho các bạn làm cái gì đó cho riêng mình có lẽ không thua kém so với khi bạn ở nước ngoài.
Còn tại sao tôi quay trở lại làm việc ở Việt Nam, điều này xuất phát từ sự gắn bó của cá nhân với cộng đồng làm toán, những người thầy cũ, bạn bè yêu quý. Tôi rất muốn lấy danh tiếng, uy tín của mình để phát triển toán học nói riêng, khoa học Việt Nam nói chung, làm sao đạt được hiệu quả cao hơn. Đây là nguyện vọng cá nhân của tôi.
- Theo anh, hệ thống giáo dục ở đâu tốt hơn, Mỹ hay Pháp? Đối với anh, cuộc sống ở đâu tốt nhất? (Giang, 30 tuổi, Hà Nội)
GS Ngô Bảo Châu: Câu trả lời tốt hơn không tiện đánh giá, tùy thuộc vào giai đoạn cuộc sống của mình. Mỗi môi trường có những ưu thế riêng. Chẳng hạn môi trường Pháp giáo dục công lập rất tốt, tất nhiên gần đây có một số vấn đề, nhưng những năm 80 đạt được đỉnh cao. Ở Mỹ thì ngược lại, giáo dục công lập không đồng đều, có chỗ rất tốt, có chỗ rất dở.
Ở nơi tôi sinh sống, tôi chỉ có một lựa chọn là gửi con học trường tư thục, mặc dù chi phí rất tốn kém, nhưng không có lựa chọn nào khác vì giáo dục công lập ở đó không tốt. Ngược lại ở Mỹ tôi kiếm được nhiều tiền hơn, có đủ tiền cho con đi học trường tư thục. Còn ở Pháp lương không cao bằng Mỹ, nhưng con tôi có thể học trường công lập.
'Nếu làm bộ trưởng, tôi phải nghiên cứu điều tra tổng thể'
- Nếu làm Bộ trưởng Giáo dục ngài sẽ cải cách điều gì đầu tiên trong hệ thống cổ lỗ này? (Nguyễn Long, 20 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Chắc chắn là khả năng làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của tôi là rất thấp. Tuy nhiên nếu tôi là Bộ trưởng tôi sẽ làm một nghiên cứu điều tra tổng thể, rồi mới tiến tới có một hành động cụ thể.
TS Nguyễn Thành Nam: Liệu có phải là xếp hạng?
GS Ngô Bảo Châu: Xếp hạng chỉ là một vấn đề thôi. Còn rất nhiều vấn đề nữa.
TS Nguyễn Thành Nam: Khi về Việt Nam thì công việc cụ thể của giáo sư là gì?
GS Ngô Bảo Châu: Ở Mỹ, công việc chính của tôi là nghiên cứu khoa học, tôi cố gắng tìm ra những định lý mới, phát minh mới trong toán học. Trong những năm gần đây tôi dành nhiều thời gian cho nghiên cứu sinh, trước 2010 hầu như không có sinh viên, nhưng hiện tôi có 6-7 nghiên cứu sinh.
Trong 3 tháng hè ở Việt Nam, tôi dành nhiều thời gian quan tâm đến sự phát triển của Viện toán học, nghiên cứu về cơ chế, những điều trước đây tôi chưa hề biết đến, giúp một số anh chị, bạn bè xuất bản, quảng bá sách. Tôi cũng muốn dùng danh tiếng nhất định của mình để tham gia vào các hoạt động xã hội như tham gia vào quỹ trẻ nhỏ vùng cao, một số hoạt động của vài doanh nghiệp xã hội ươm mầm tài năng trẻ.
TS Nguyễn Thành Nam: Phần trả lời của giáo sư cũng cho thấy nếu ai đó ghi danh ở Mỹ thì lúc nào cũng có thể về Việt Nam và làm việc có ích?
GS Ngô Bảo Châu: Sau khi trở về Việt Nam, tôi nghĩ yếu tố cơ bản quyết định tham gia cuộc sống ở Việt Nam là phải thật kiên trì trong định hướng và linh hoạt trong tiếp xúc với xã hội.
TS Nguyễn Thành Nam: Giáo sư chấp nhận rủi ro gì khi về Việt Nam?
GS Ngô Bảo Châu: Rủi ro lớn nhất là ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu vì gián đoạn và cuộc sống gia đình cũng có rủi ro nhất định. Tuy nhiên, trong rủi ro cũng có những điều thú vị.
- Từ khi đoạt được giải Fields giáo sư có còn làm Toán nữa không? (Đinh Đạt, 27 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Có chứ, tôi vẫn làm toán chăm chỉ. Về Việt Nam tôi vẫn làm toán, nhưng không thể làm liên tục thời gian dài như bên Mỹ.
- Nếu chẳng may không được làm toán nữa thì giáo sư sẽ làm gì? (Huỳnh Trọng Chung, 26 tuổi)
GS Ngô Bảo Châu: Khi còn ít tuổi hơn, nếu cảm thấy năng lực của mình không phù hợp với toán, tôi sẽ tìm công việc khác nuôi sống bản thân và gia đình. Chắc là không khó vì dù sao có lao động thì sẽ phát hiện ra một số khả năng khác của mình.
- Đã bao giờ giáo sư chán toán học chưa? Nếu có những lúc đó giáo sư làm thế nào để lấy lại cảm hứng học tập, nghiên cứu? (Lê Tuấn Dũng, 25 tuổi, An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội)
GS Ngô Bảo Châu: Chán toán thì không, nhưng chán vấn đề nghiên cứu đôi khi xảy ra. Việc khơi gợi cảm hứng luôn luôn đến từ người khác. Qua các kênh trao đổi với bạn bè, người thân về những vấn đề khoa học, xã hội mà mình tạo cảm hứng mới. Chẳng hạn, tôi về Việt Nam cùng anh em nghiên cứu toán học cơ bản, đó là mối quan tâm của tôi. Nhưng mặt khác tôi càng ngày càng cảm thấy quan tâm, thích làm toán ứng dụng hơn, dù chưa được chuẩn bị tốt lắm. Tương lai có lẽ tôi muốn làm toán ứng dụng. Mối quan tâm này đến từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi với mọi người.
TS Nguyễn Thành Nam: Các bạn đang nghĩ làm khoa học là phải đóng cửa làm một mình, nhưng thực tế không phải vậy, phải có hội.
GS Ngô Bảo Châu: Làm khoa học nói chung một phần phải đóng cửa làm một mình, nhưng cảm hứng sẽ không do mình tự tạo mà thường đến từ người khác. Việc tổ chức các kênh trao đổi để tạo cảm hứng rất quan trọng.
Theo VnExpress