Học từ vựng tiếng Anh từ lâu đã trở thành công việc rất đỗi quen thuộc đối với học sinh, sinh viên Việt Nam. Học từ vựng là một phần không thể thiếu trong học tiếng anh giao tiếp.
Từ tiểu học cho đến cấp hai, từ cấp ba cho đến giảng đường đại học hoặc thậm chí trong các lớp mẫu giáo, từ vựng lúc thì được ê a đồng thanh phát âm trong lớp học, khi thì được ghi chép miệt mài trong các quyển vở chép phạt. Đôi lúc cách học như vậy khiến bạn thấy việc học từ vựng tiếng Anh có vẻ khô khan khó “nuốt”. Viết bài blog này, mình chỉ có một mong muốn duy nhất là chia sẻ với các bạn hai bí quyết nho nhỏ giúp học từ vựng tiếng Anh thật dễ dàng. Hai bí quyết học từ vựng tiếng anh đó là: phân tích cấu trúc từ vựng và lập sổ tay từ vựng.
Phân tích cấu trúc từ
Cấu trúc hay hình thức của một từ vựng tiếng Anh rất quan trọng vì nó có thể giúp bạn nâng cao vốn từ vựng của mình và giao tiếp tốt. Để hiểu hết ý nghĩa của một từ mới, ngoài tìm nghĩa tiếng Việt, bạn cũng cần phải nhìn vào hình thức của từ, cũng như xác định các các thuộc tính của nó. Nói nghe có vẻ cao siêu, nhưng học từ bằng cách này cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Phương pháp thực hiện có thể được tóm gọn trong 3 bước như sau:
- Bước 1: Tách từ vựng thành 2 hay 3 thành tố khác nhau.
- Bước 2: Phân tích ý nghĩa của từng thành tố.
- Bước 3: Ghép nghĩa của từng thành tố lại để biết nghĩa của từ.
Vì sao bạn có thể học từ vựng nhớ lâu bằng cách phân tích như trên? Rất dễ hiểu, vì nhiều từ vựng trong tiếng Anh là từ ghép, nghĩa là chúng được ghép từ hai hay ba từ riêng biệt với nhau. Bằng cách tách chúng ra, và xem xét từng thành phần một, bạn có thể khám phá được nghĩa trọn vẹn của một từ. Xin lưu ý rằng: cách tách và phân tích từ như hướng dẫn trên chỉ có hiệu quả với hầu hết những từ đơn giản, nhưng ít khi chính xác với những từ dài và phức tạp.
Không nói dài dòng nữa, để mình cho một ví dụ dễ thấy: từ “bookkeeper”. Tách từ ghép này thành hai từ riêng biệt là: “book” (sách) và “keeper” (người giữ), bạn sẽ dễ dàng thấy rằng “bookkeeper” là một người có nhiệm vụ giữ sổ sách. Ngoài ra, bạn cũng có thể xác định ý nghĩa của một từ dựa trên nghĩa của tiền tố hoặc hậu tố của nó. Ví dụ điển hình là từ “microscope”. Từ này được kết hợp từ tiền tố “micro-” với nghĩa là “nhỏ, vi” và hậu tố “-scope” với nghĩa là “dụng cụ dùng để nhìn xuyên qua”. Cuối cùng, ta cũng không mấy khó khăn để đoán nghĩa của từ “microscope” là: kính hiển vi.
Như vậy, bằng cách phân tích cấu trúc từ, bạn có thể khám phá được rất nhiều từ mới mà không cần phải dùng đến từ điển. Phương pháp này vừa giúp bạn học từ nhanh vì không phải tra từ điển; vừa giúp bạn nhớ từ lâu vì từ học được do bạn động não suy nghĩ mới tìm được nghĩa. Bây giờ, để trải nghiệm cách học từ vựng bằng phương pháp này, tại sao bạn không thử trổ tài đoán nghĩa của những từ sau đây đi: handmade, schoolyard, miniskirt, airmail.
Lập sổ tay từ vựng
Một phương pháp mạnh mẽ khác mà bạn có thể sử dụng để học từ vựng một cách chủ động là tự xây dựng từ điển cho riêng mình, hay đơn giản gọi là lập sổ tay từ vựng. Nói đến đây, có thể nhiều bạn cho mình là “rãnh” vì từ điển bán đầy ngoài nhà sách, sao không mua về xài mà lại tự viết từ điển cho mình? Mình công nhận là từ điển giúp mình tra cứu từ nhanh chóng và chính xác, nhưng chúng khá cồng kềnh, nặng, và tất nhiên là có rất nhiều từ. Do số lượng từ quá lớn, nên bạn không thể nào nhớ đã tra từ nào, đã gặp từ đó trong hoàn cảnh nào, và đôi khi chỉ nghĩ đến việc lôi quyển từ điển khổng lồ ra để ôn từ cũng khiến bạn thấy e ngại.
Cho nên, sẽ tốt hơn nếu bạn xây dựng một quyển từ điển chứa các từ mà bạn đã gặp qua khi đọc sách, học bài, hoặc làm bài tập. Cách thực hiện rất dễ: trong khi đọc hiểu, bạn thích từ nào hoặc thấy từ nào được lặp lại nhiều lần thì viết nó ra sổ. Mình lưu ý các bạn là không nhất thiết phải viết hết từ mới nhé, chỉ viết những từ quan trọng thôi; và cũng đừng vội tra cứu, nhưng cố gắng đoán nghĩa dựa vào văn cảnh xuất hiện của từ. Sau khi đã đọc xong hết, lúc này bạn bạn mới tra nghĩa trong từ điển, so sánh với nghĩa mà bạn đã đoán ban đầu, rồi mới viết nghĩa vào sổ tay. Bạn cũng nên viết một câu có chứa từ mới để học cách sử dụng từ trong ngữ cảnh cụ thể.
Nếu bạn làm như thế mỗi khi gặp một từ mới, vốn từ vựng tiếng anh của bạn sẽ ngày càng lớn lên. Ngoài ra, tự xây dựng từ điển cá nhân sẽ rất hiệu quả, bởi vì theo thời gian, bạn sẽ có một bộ sưu tập các từ vựng mà bạn ưa dùng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một từ phải được sử dụng ít nhất 10 lần trước khi được ghi vào trong bộ nhớ của một người. Cho nên, khi thu thập và viết từ vựng trong quyển từ điển cá nhân, bạn sẽ dễ dàng xem và ôn tập lại. Dễ dàng ôn tập chính là lợi thế của sổ tay từ vựng; và càng ôn luyện theo những ghi chú trong sổ tay, bạn sẽ càng nhớ từ lâu hơn. Nắm vững hai bí quyết học từ vựng để học thật giỏi tiếng anh.