ThS.KTS. Dư Tôn Hoàng Long
Hà Nội, ngày 21-6-2014
Đặc trưng văn hóa xã hội đô thị Huế
Thừa Thiên Huế là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Trung. Cùng song hành với Đà Nẵng tạo thành hạt nhân phát triển với rất nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt. Huế thừa hưởng một nền tảng kiến trúc đô thị để phát triển nền công nghiệp không khói. Có độ che phủ cây xanh lớn, là một trong mười đô thị sinh thái tốt nhất Đông Nam Á. Có một nền văn hóa hàn lâm, dân gian sâu sắc và phong phú. Người Huế hiền lành bình dị, ẩm thực đặc sắc. Do vậy Huế sở hữu động lực phát triển tự nhiên rất lớn, thu hút dòng đầu tư của các công ty trong và ngoài nước, kéo theo sự di cư lao động đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ. Quá trình phát triển về kinh tế đặt ra những bài toán khó cho đô thị làm sao để vừa thúc đẩy sự phát triển, tôn trọng văn hóa địa cảnh mà vẫn mang hơi thở của thời đại.
Những tiền đề kiến trúc
Đô thị Huế được yêu mến, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì mang hình ảnh đặc trưng của một đô thị sinh thái Việt Nam. Nhưng đó là vì nó vẫn đang chịu ảnh hưởng đậm nét từ khuôn khổ kiến trúc đô thị từ thời Nguyễn, thời Pháp. Các công trình có tỷ lệ hài hòa, không lấn át thiên nhiên, thấp hơn tán cây cổ thụ, tỉ lệ sân vườn chiếm đa số. Kiến trúc cung đình mang đậm dấu ấn văn hóa phong kiến lưu truyền phát triển chọn lọc qua nhiều thế hệ. Kiến trúc thực dân lại được người Pháp đặt vào đây với sự tôn trọng tuyệt đối vương triều ở bờ Bắc và khí hậu miền Trung khắc nghiệt. Một số công trình mang phong cách địa phương Pháp như là sự nhớ nhung về cố hương của kẻ đi xa ở một số biệt thự quan chức. Về sau các công trình do người Pháp xây bắt đầu mang ảnh hưởng của thời đại, các phong cách Tân cổ điển, Morden, đặc biệt là sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp đương thời và kiến trúc cung đình bản địa, tạo thành trường phái kiến trúc Đông Dương đặc sắc.
Phát triển đô thị và những thách thức hiện hữu
Nếu bờ Bắc sông Hương là trung tâm văn hóa thì bờ Nam là trung tâm kinh tế. Nếu bờ Bắc là linh hồn bản sắc của Huế thì bờ Nam là sinh lực để giúp linh hồn đó được nuôi dưỡng phát triển. Bờ Nam sông Hương chính là không gian mà đô thị Huế đang gặp phải những vấn đề thực tế thời đại nảy sinh. Ngày càng có nhiều công trình quy mô lớn mọc lên ở bờ Nam sông Hương, phát triển cả về chiều ngang và chiều dọc, đủ mọi phong cách kiến trúc, đủ mọi vị trí. Từ sát bờ sông dưới chân cầu Trường Tiền đến xuôi về Vỹ Dạ, từ phố mới mở rộng đến các khu đô thị mới thành hình. Thoạt nhìn, sự bề thế của các công trình đem lại cho người dân một sự tự hào khi so sánh với các đô thị lớn trong cả nước. Nhà quản lý cũng đã đưa ra những giải pháp bài bản trong việc chỉnh trang đô thị đặc biệt là việc mở rộng đi liền cải tạo cảnh quan hai bên đường ở những phố Lý Thường Kiệt, Đống Đa, được người dân đồng thuận khen ngợi. Tuy nhiên nếu nhà quản lý chỉ dừng lại ở việc chỉnh trang đường phố, vỉa hè, những thứ thuộc thẩm quyền quản lý của mình, mà quên đi kiến trúc công trình thuộc sở hữu của tư nhân thì mọi cố gắng có thể trở thành vô nghĩa. Những quan niệm về kiến trúc hiện đại là nhà cao tầng, khối bê tông bọc kính vuông vức đã trở nên lỗi thời, gây nhiều hệ lụy đến sự phát triển đô thị.
Kiến trúc ngày nay đã khai tử khái niệm "trường phái Kiến trúc hiện đại" từ năm 1972 bởi Charles Jencks trong cuốn " Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại" với thông cáo "Kiến trúc Hiện đại đã chết ở Saint Louis, Missouri ngày 15 tháng 7 năm 1972 vào hồi 15h32." Bởi kiến trúc hiện đại mang đến một bộ mặt vô hồn giống nhau cho tất cả các đô thị trên thế giới, nó tạo ra một thế giới không bản sắc và chống lại thiên nhiên.. Ở các công trình nổi bật được xây mới, một số công trình có chủ ý khai thác kiến trúc cổ như khách sạn Tân Hoàng Cung, khách sạn Phú Xuân, hoặc nằm trong trục phố Pháp sát bờ sông thì cách xử lý kiến trúc tôn trọng thiên nhiên bờ sông cũng như kiến trúc Pháp như Trung tâm văn hóa Làng nghề Phương Nam, bảo tàng Hồ Chí Minh, khách sạn Hương Giang, Century được đánh giá cao. Số đông còn lại không mang một hình ảnh nào gần gũi với đô thị Huế. Đặc điểm chung của các công trình đó là ít có sự nghiên cứu kiến trúc hình khối với không gian xung quanh, cót hệ số sử dụng đất và mật đô xây dựng tối đa, màu xanh nhường chỗ cho bê tông, kính và cục nóng điều hòa.
Bất cứ đô thị nào trên thế giới đều tự nhiên hình thành những khu trung tâm. Đó là nơi cư dân đô thị tìm được nhiều tiện ích xã hội, chỗ làm việc nhất. Việc càng chồng thêm nhiều tầng để tăng giá trị sử dụng trên một mét vuông sử dụng luôn là bài toán kinh tế hiệu quả. Ở những đất nước đang phát triển, nguồn lực đất đai là nguồn lực mạnh mẽ hàng đầu. Không thể hạn chế số tầng để rồi đất đai phát triển dàn trải, manh mún, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém, gây khó khăn trong việc quản lý đô thị.
Một số giải pháp đề xuất về kiến trúc
Thật dễ khi nói phải gắn lợi ích phát triển với văn hóa đô thị, thật đơn giản khi ra một lệnh cấm, không được phép xây vượt qua một số tầng nhất định. Dưới ánh sáng của phản biện khoa học và dân chủ, người quản lý phải đưa ra một hệ quy tắc xây dựng chuẩn mực gắn với nhu cầu thực tế. Việc này nhiều đô thị trên thế giới đã áp dụng, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quy định rất rõ ràng, chi tiết. Huế phải đưa yếu tố xanh vào hệ quy tắc đó, xem như cái gốc của mọi lý thuyết đô thị. Nhà càng cao tầng càng phải dành nhiều hơn diện tích cây xanh, hoặc hiểu ngược lại, nếu chủ đầu tư dành càng nhiều mét vuông sàn cho cây xanh họ sẽ càng được xây cao tầng, ở các tầng càng cao quy định tỉ lệ cây xanh càng nhiều. Mái của một tòa nhà cao tầng phải được phủ xanh. Như vậy nếu chủ đầu tư có ý định kiếm tiền thì việc khai thác đô thị, họ sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng bằng màu xanh, oxi và tài chính.
Ở một số trục đường trung tâm do thành phố quản lý, kiến trúc nhà cao tầng phục vụ mục đích thương mại phải được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta không phê phán một phong cách kiến trúc nào, nhưng phong cách đó phải biểu hiện cho yếu tố thời đại : kiến trúc sinh thái, kiến trúc phù hợp khí hậu địa phương, kiến trúc mang bản sắc văn hóa.
Tham khảo câu chuyện bản sắc kiến trúc của Nhật Bản và Singapore. Hai đất nước hiện đại ở châu Á đã xây dựng nên hai bản sắc hoàn toàn mới mẻ nhưng vẫn được đánh giá rất cao. Điều cốt lõi, ở Nhật Bản tôn trọng tinh thần văn hóa Nhật : nhẹ nhàng, trong sạch, đề cao bản sắc. Các công trình được xây mới ở Nhật Bản luôn rất giản dị về phong cách, màu sắc, vật liệu sử dụng. ở Singapore tôn trọng sinh thái với tiêu chí : Thành phố trong rừng. Thiên nhiên có mặt ở khắp mọi nơi, được chăm chút kĩ lưỡng có chọn lọc. Đô thị Huế có quỹ di sản kiến trúc, ở một khía cạnh nào đó làm chậm cho đô thị chậm phát triển, nhưng nếu biết dựa vào những bài học mà ông cha ứng xử với thiên nhiên trong quá khứ, và cách nước bạn làm ngày nay, đó sẽ là lợi thế để xây dựng Huế trở thành thành phố đáng sống của người dân và đáng phải đến ít nhất một lần trong đời của du khách.