“Công nghệ xanh và tự động hóa trong công trình xây dựng: Nhu cầu và xu hướng” là chủ đề của Hội thảo do Trung tâm Thông tin – BXD phối hợp với Cổng thông tin Xây dựng Việt Nam Ibuild tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội nhằm giới thiệu xu hướng mới nhất trong việc ứng dụng công nghệ tự động hóa và các ứng dụng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam.
Xu hướng tất yếu:
Sau hơn 20 năm đổi mới, ngành Xây dựng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Trên khắp mọi miền tổ quốc, những cán bộ, công nhân kỹ sư đã làm nên những công trình mang tầm vóc quốc gia và khu vực. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và hình thành các siêu đô thị, ngành Xây dựng không ngừng phát triển đón đầu những xu hướng mới trên thị trường xây dựng, công nghệ xanh, công nghệ tự động hóa thân thiện với môi trường sẽ là trọng tâm phát triển trong những năm tới. Đã đến lúc con người mong muốn không chỉ tạo dựng những đô thị, nhà ở đẹp, hiện đại phục vụ tốt cho cuộc sống của con người với những trang thiết bị tự động hiện đại nhất mà còn cần sống trong môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế sự tác động tiêu cực đến khí hậu trái đất.
Đâu là rào cản?
Thực tế ở nước ta một số công trình đã được xây dựng áp dụng công nghệ tự động hóa cũng như kiến trúc xanh, tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng trong điều kiện hiện nay, việc ứng dụng rộng rãi kiến trúc xanh và tự động hóa trong xây dựng công trình là điều không đơn giản. Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn: Hiện kiến trúc ở đô thị Việt Nam đang bị khai thác không đi đôi với bù đắp dẫn tới tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị bị mất đi, phát triển không đồng bộ dẫn đến vấn đề đầu tư bị chồng lặp, thiếu sự phối kết hợp để phát huy hiệu quả tổng hợp. Thiết kế kiến trúc hiện còn thiếu vắng sự duy trì liên tục các đặc trưng hình thái kiến trúc đô thị, không phát huy được các lợi thế của điều kiện tự nhiên gây nên sự tách biệt giữa con người với tự nhiên. Trong ngôn ngữ sáng tác chưa có nhiều những sáng tạo có định hướng rõ nét. Việc quản lý và sử dụng công trình chưa chú trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng, việc quản lý chất thải, khí thải chưa được thực hiện triệt để.
Công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… đã được xây dựng nhưng tồn tại dưới dạng dự án đơn lẻ không có bất cứ sự “tuyên dương”, giới thiệu hay quảng bá nào, bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị cũng như chưa có một chế tài cụ thể khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình “kiến trúc xanh” phát triển nên số lượng công trình xanh trong thực tế vẫn còn hạn chế.
Giải pháp nào để kiến trúc xanh phát triển?
Theo ông Trần Hữu Hà, cùng sự phát triển của đất nước, sự hội nhập quốc tế, ngành Xây dựng đã và đang tiếp cận với công nghệ tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Bộ cũng đã xây dựng các chính sách khuyến khích công trình xanh, tự động hóa. Để khuyến khích các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng ứng công nghệ xanh và tự động hóa trong xây dựng công trình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình xây dựng.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận đề xuất: “Kiến trúc xanh” là vấn đề địa phương nên chúng ta không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm các nước hàn đới vào Việt Nam được, do đó cần có một hệ thống đánh giá công trình xanh như các nước đang tiến hành, ứng dụng cụ thể vào Việt Nam. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng trên một hệ thống chứng thực rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc phát triển trên quỹ đạo tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là cơ sở để các kiến trúc sư và khách hàng làm việc, đồng thời cũng là cơ sở để cấp phép xây dựng. “Chúng ta cần thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng môi trường trong nhà và hệ thống nhãn hiệu vật liệu xanh; thiết lập các quy định và kỹ thuật tái sinh và sử dụng lại chất thải kiến trúc, đồng thời tổ chức bầu chọn các công trình kiến trúc xanh tốt nhất, cổ vũ nhân rộng phát triển mô hình kiến trúc xanh, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về kiến trúc xanh đến toàn dân” – TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.
Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, các KTS trong quá trình thiết kế cần nắm vững cơ sở về điều kiện khí hậu địa phương, thông thạo các lĩnh vực liên quan như sản xuất năng lượng, tái chế chất thải, sử dụng có hiệu quả năng lượng và vật liệu… nhằm tạo lập một phong cách kiến trúc mới trên cơ sở truyền thống Việt Nam bắt nguồn từ điều kiện thiên nhiên, khí hậu, và các phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, kết hợp với các tiêu chí “xanh” trong thời hiện đại. Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích và có chế tài cho các nhà đầu tư áp dụng mô hình “kiến trúc xanh”, vì công trình “kiến trúc xanh” có suất đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng mang lại nhiều hiệu quả trong quá trình sử dụng và ích lợi đối với cả môi trường và cộng đồng. Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng một chương trình hay một chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng trong đó có hệ thống tiêu chuẩn được bắt đầu từ những vật liệu xây dựng thông dụng.
HueRuby-Theo Báo Xây Dựng