Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về xây dựng

Thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền và phương thức quản lý đối với các chủ đầu tư khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Đây là một trong những ý kiến được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tại Quốc hội, ngày 6/11.

Trong tờ trình Dự thảo luật nêu rõ vai trò quản lý Nhà nước thống nhất, xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ khâu quy hoạch, kế hoạch đến quản lý thực hiện dự án chưa được quy định rõ và thiếu nhất quán giữa quyền hạn và trách nhiệm, giữa các Bộ quản lý ngành, giữa Trung ương và địa phương đã ảnh hưởng đến việc thực hiện phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng.

Vì vậy, quan điểm xây dựng dự thảo luật lần này là nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm sự quản lý toàn diện, xuyên suốt đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án và hoàn thành xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng trên cơ sở tăng cường các quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Dự thảo sửa đổi đã quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng trong việc ban hành, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng, đề ra yêu cầu đối với các công việc như: Lập dự án, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, khởi công xây dựng công trình.... để bảo đảm cho việc xây dựng công trình tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu sử dụng và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ cảnh quan và môi trường.

Liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, dự thảo thiết kế trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước kết hợp với việc đáp ứng các yêu cầu khách quan của thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các chủ thể tham gia thông qua các quy định của hợp đồng xây dựng.

Các nguyên tắc, nội dung quản lý, các chỉ tiêu và cơ sở xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình được sửa đổi theo hướng phải được tính đúng, tính đủ theo từng công trình cụ thể, phù hợp với giai đoạn thực hiện, bước thiết kế, thời gian xây dựng và mặt bằng giá thị trường.

Đối với các dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, việc áp dụng các phương pháp lập và quản lý chi phí, các định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật là bắt buộc đồng thời cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định, kiểm soát việc thực hiện các quy định này. Đối với các dự án, công trình sử dụng các nguồn vốn khác, việc áp dụng các quy định, hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng có tính chất tham khảo, vận dụng phù hợp với điều kiện thực hiện cụ thể của dự án, công trình xây dựng.

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật phải góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, trong dự thảo có tới trên 50 điều khoản sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” và 25 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn tạo thuận lợi khi thực hiện luật; loại bỏ một số quy định khung, bổ sung vào dự thảo Luật những quy định cụ thể trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của Luật.

Nguồn Báo Xây dựng