Nghề xây dựng

Để có thể nuôi sống bản thân, gia đình và có đóng góp cho xã hội con người ai cũng phải có một nghề tạo ra của cải vật chất hay tinh thần. Vì vậy, ai cũng có nhu cầu có một nghề nhất định. Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.

Từ xa xưa do nhu cầu tồn tại, con người đã lo có nơi dung thân nên nghề xây dựng đã sinh ra từ đó. Ai cũng cần có nhà để ở, có đường để đi, có trường để học, có bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, có công trình vững chãi để làm việc, sinh hoạt, tránh khỏi hiểm nguy từ động đất, gió bão, lũ lụt, lở đất… Chính vì vậy, nghề Kỹ sư Xây dựng luôn được đề cao và tôn kính trong mọi thời đại.

Ngoài việc nắm vững kiến thức khoa học tự nhiên, nhất là toán học và vật lý cơ học, người Kỹ sư Xây dựng còn phải hiểu biết lịch sử, địa lý; có vốn văn hóa sâu rộng, khả năng sáng tạo và tổ chức, kỹ năng giao tiếp; và đặc biệt là tình yêu dành cho đất nước, thiên nhiên và con người (với những công trình mang tính cộng đồng, văn hóa, tâm linh).

Ngành xây dựng vừa tạo nên những cơ sở vật chất cụ thể, vừa phải tạo nên các công trình có giá trị kỹ thuật và văn hóa. Nó đòi hỏi sự sáng tạo và kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật, công nghệ với văn hóa, nghệ thuật để tư duy vượt qua không gian giới hạn của tường gỗ và bê tông, thổi hồn vào các công trình cụ thể.

Mặt khác, xây dựng là ngành không chấp nhận có phế phẩm vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng nhiều người. Do vậy, người Kỹ sư Xây dựng giỏi trước hết phải là người có tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp. Chỉ cần thiếu thận trọng ở bất kỳ khâu nào trong quá trình xây dựng đều có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người khác.

Kỹ sư xây dựng bao gồm kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, kỹ sư cầu đường, kỹ sư xây dựng sân bay, kỹ sư xây dựng công trình thủy lợi (kỹ sư cảng - đường thủy, kỹ sư công trình thủy lợi - thủy điện), kỹ sư xây dựng công trình biển (kỹ sư công trình biển & dầu khí), kỹ sư xây dựng đô thị, …)

Trong kỷ nguyên thông tin, để trở thành người Kỹ sư Xây dựng giỏi, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng sinh viên còn phải được trang bị đầy đủ về ngoại ngữ và kỹ năng mềm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, giáo trình đào tạo tiên tiến, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế là những yếu tố đủ để góp phần tạo nên hình mẫu Kỹ sư Xây dựng của tương lai.

Dựa trên các số liệu phân tích từ dân số, ước tính GDP và ngân sách công, các chuyên gia của tổ chức Global Construction Perspectives (GCP) và Trung tâm Kinh tế Oxford (Đại học Oxford, Anh) đã dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng rất cao, bên cạnh các thị trường xây dựng khác như Ấn độ, Trung Quốc…. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và các tỉnh thành nói riêng.

Theo ước tính đến năm 2020, nhân lực ngành xây dựng cần có phải qua đào tạo phải đạt trên 3 triệu người và đến năm 2030, con số này là 5 triệu người. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ngành xây dựng luôn là một ngành học nhộn nhịp, thu hút nhiều học sinh theo học, bởi tính thời đại của nó.

Thực tế cho thấy, nhân lực ngành xây dựng được coi là những người có thu nhập cao trong xã hội (từ những người làm công tác tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đến những người làm công tác thợ xây có tay nghề cao…) bởi tính chất đòi hỏi kiến thức và kỹ năng lành nghề.

Không chỉ tại Việt Nam, ở các nước phát triển cũng rất thiếu nhân lực tay nghề cao trong lĩnh vực xây dựng. Các tập đoàn Đức, Nhật Bản, Singapore… gần đây cũng tập trung nhiều vào việc tuyển dụng nhân sự khối ngành xây dựng có tay nghề với mức lương cao và nhiều chế độ ưu đãi. Điều cốt lõi là người lao động phải qua đào tạo để được trang bị kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ làm việc chuyên nghiệp

Trường Đại học Đông Á đang hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài Mỹ, Nhật, Đức, Úc, Singapore... Điều kiện để sinh viên ngành xây dựng ra trường có thể thực tập và nhận việc làm tại nước ngoài và trở về làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài rất rộng mở. Việc còn lại là phụ thuộc vào sự quyết tâm, cần cù, có chí tiến thủ của sinh viên…

- TS. Nguyễn Văn Minh - Khoa KT Xây dựng -