Nhóm nghiên cứu của Công ty Yasuda Engineering Co;Ltd (Nhật Bản) vừa tổ chức hội thảo về khả năng ứng dụng công nghệ kích cống ngầm tại Việt Nam. Phương pháp mới này sẽ thay thế phương pháp đào, lấp thông thường, đồng thời giảm thời gian thi công cũng như giảm những tác động tiêu cực đến bộ mặt đô thị.
Ở một đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, việc xây dựng những hệ thống hỗ trợ cho đời sống đô thị như: đường ống cấp nước, đường cống thoát nước, đường ống cấp gas, cấp điện và các phương tiện truyền thông thông tin đang được chú trọng đầu tư. Các dự án này hầu hết được thi công bằng phương pháp đào mở nên dù hình thức đơn giản, chi phí thấp nhưng khó quản lý. Trong khi đó việc thi công lại kéo dài, gây mất mỹ quan đô thị, để lại hậu quả là những con đường chắp vá. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của phương pháp đào mở là chỉ phù hợp cho việc thi công ở độ sâu ngắn, nằm ngay gần mặt đất.
Công nghệ kích cống ngầm đảm bảo an toàn và vẻ đẹp đô thị
Theo các chuyên gia của Công ty Yasuda, công nghệ kích cống ngầm hay còn gọi phương pháp Suishin (kích đẩy) là phương pháp thực hiện thiết lập cửa hầm đầu và cửa hầm cuối của đoạn đường cống ngầm cần lắp đặt. Dung kích đẩy máy đào từ cửa hầm đầu hướng về cửa hầm cuối, sau đó đặt các đoạn ống (bê tông) đã được làm sẵn nối tiếp sau máy đào và kích đẩy dần các đoạn ống này nối tiếp theo máy đào cho đến khi đầu mối chạm đến cửa hầm cuối tạo thành một đường cống ngầm dài xuyên suốt.
Ngoài phương pháp đào mở, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng thành công phương pháp thi công mới, vẫn giữ nguyên bề mặt hiện trạng của khu vực thi công, tức là khoan ngầm trong lòng đất. Đặc biệt, điểm quan trọng giúp phương pháp này thành công là ma sát kích đẩy ống càng nhỏ bao nhiêu dẫn đến thành công lớn bấy nhiêu. Nếu không thực hiện giảm ma sát, không làm ống dài ra được.
Công nghệ kích đẩy bằng định vị điều khiển tự động nên không cần sử dụng con người. Nếu dùng nhân công sẽ nguy hiểm và tiến độ rất chậm trong khi nhân lực chỉ có thể đào từ 6-10m mà thôi.
Phương pháp này đặc biệt giá trị với thành phố có mật độ giao thông lớn ở Việt Nam. Vì thi công ngầm trong khi giao thông vẫn lưu thông bình thường nên không gây ùn tắc giao thông, không chiếm dụng mặt đường như phương pháp thông thường. Đồng thời, nó cũng đặc biệt hữu dụng với những đường ngầm qua sông hay những trường hợp không thể đào mở từ trên mặt đất do đoạn đường vướng các trụ điện, biển báo... Hay trường hợp cống ngầm đi qua khu đô thị, tòa nhà cao ốc...với một độ sâu nhất định, ở những nơi giao thông vẫn diễn ra bình thường thì phương pháp không đào là lựa chọn tối ưu.
Tại hội thảo, đại diện Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM thắc mắc việc sử dụng phương pháp này trong môi trường nền đất yếu như ở TPHCM có phù hợp không? Chuyên gia của Công ty Yasuda cho rằng, nền đất yếu là điều kiện thuận lợi cho việc kích cống ngầm. Nền đất càng yếu bao nhiêu càng dễ dàng kích đẩy ống cống bấy nhiêu, nhưng không vì thế mà vị trí ống cống bị di chuyển.
Nhiều thành viên tham dự cuộc họp cũng đồng tình với việc TP nên áp dụng phương pháp công nghệ kích cống ngầm để hệ thống đường cống ngầm đồng bộ hơn, bộ mặt đô thị đẹp hơn.