Phát biểu tại Hội thảo “Sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT” vừa được tổ chức ngày 20/12 tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Trong xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, ngành GTVT là một trong những ngành có nhu cầu tiêu thụ xi măng lớn nhất đất nước. Hầu hết các công trình giao thông quan trọng như cầu, cống, sân bay, bến cảng đều sử dụng vật liệu bê tông xi măng, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực.
Thân thiện với môi trường
Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới đã cho thấy các kết cấu hạ tầng GTVT sử dụng vật liệu xi măng đạt được các yêu cầu kỹ thuật cao, bền vững, thân thiện môi trường.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ để tìm giải pháp và phạm vi sử dụng của bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông. Tuy nhiên, đến nay việc sử dụng vật liệu này trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng đường ô tô chưa được cải thiện rõ rệt. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Việt Nam là một trong những nước có sản lượng xi măng hàng đầu thế giới. Đến năm 2020, dự báo nước ta sẽ sản xuất khoảng 100 triệu tấn xi măng/năm.Ông khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ cộng tác chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ chung theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sử dụng xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, trên thế giới, việc xây dựng kết cấu đường bê tông xi măng không phải là mới. Cụ thể như tại Trung Quốc, Thái Lan loại đường này chiếm tới 40 - 57,6% các đường cao tốc và trục chính. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường bê tông xi măng sẽ đem lại độ bền cao, thân thiện với môi trường, giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, đường bê tông xi măng sẽ giúp tiêu thụ nguồn xi măng trong nước... Còn về công nghệ thi công loại đường này cũng đã có những bước tiến bộ mới, đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật cao.
Trách nhiệm của người làm nghề
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng và giao thông đã tập trung đánh giá trên cơ sở thực tế về việc sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông thời gian qua, cũng như đưa ra các giải pháp, kiến nghị xây dựng các chính sách để có thể nâng cao hơn nữa việc sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông.
Đại diện của Cty Xây dựng công trình hàng không (ACC) cho rằng: Tuy giá thành thi công đường bê tông xi măng cao hơn khoảng 20% nhưng tuổi thọ của mặt đường bê tông xi măng (kéo dài trong khoảng 40 - 50 năm) cao hơn nhiều so với nhựa (chỉ khoảng 10 - 20 năm).
Hiện nay, tại nhiều tuyến đường trong cả nước, để nâng cao tuổi thọ và chất lượng của mặt đường nhựa, chúng ta đang phải sử dụng loại bê tông nhựa polime (ACC đã thi công tại mặt đường sân bay Liên Khương, sân bay Cần Thơ), hoặc phải dùng bê tông nhựa có độ nhám cao (thí điểm 1 đoạn ngắn trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài)... Khi đó, nếu tính toán đầy đủ thì đầu tư ban đầu của mặt đường nhựa sẽ không thấp hơn bê tông xi măng, mà độ bền lại ngắn hơn.
Các đại biểu cũng cho biết, bê tông xi măng là sản phẩm được sử dụng trong kết cấu hạ tầng giao thông tại các công trình cầu, hầm, sân bay, bến cảng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đường bộ, tỷ mặt đường bê tông xi măng ở nước ta chỉ chiếm 3,1% chiều dài hệ thống quốc lộ. Việt Nam đã xây dựng các hệ thống đường bê tông xi măng như: đường Hùng Vương (Hà Nội), đường Quán Bánh (Nghệ An), QL3 (Thái Nguyên), đoạn phía bắc cầu Chương Dương, Sân bay Nội Bài, đường cao tốc đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa có chiều dài 121km... Ưu điểm chính của đường bê tông xi măng là có tuổi thọ cao, chịu được tải trọng xe nặng, thích hợp với chế độ thủy nhiệt phức tạp, thường xuyên ẩm ướt. Đây là loại đường dễ duy tu bảo dưỡng, sử dụng nguồn nguyên, vật liệu trong nước. Tuy nhiên, đường bê tông xi măng có chi phí xây dựng ban đầu tương đối cao, khó sửa chữa khi hư hỏng, đầu tư trang thiết bị ban đầu lớn.
Kết luận buổi Hội thảo, Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận ý kiến đóng góp sát với thực tế của các GS, TS, các nhà khoa học ngành Xây dựng và Giao thông. Bộ trưởng cũng thống nhất tinh thần Hội thảo là nên sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là sử dụng thế nào cho tốt và hiệu quả hơn thời gian vừa qua, đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là lương tâm và trách nhiệm của người làm nghề xây dựng và giao thông.
Bộ trưởng Thăng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo liên Bộ, xây dựng biên bản thỏa thuận sử dụng xi măng trong xây dựng công trình giao thông; Đánh giá sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như mục tiêu và giải pháp sắp tới. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là xây dựng đường bê tông xi măng, các cơ quan liên quan của 2 Bộ cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ, quy định và chỉ dẫn kỹ thuật thi công cũng như có kế hoạch đào tạo, tập huấn cán bộ, công nhân các công nghệ xây dựng và bảo trì đường bê tông xi măng trước mỗi dự án, đồng thời các cơ quan liên quan cũng cần hoàn thiện các định mức, đơn giá phù hợp.
Theo Hoài Lâm (Báo Xây dựng)