Thị trường xây dựng Việt Nam hậu Covid-19

Tốc độ tăng trưởng ngành chậm lại trong quý I/2020 nhưng không thể phủ nhận một sự thay đổi đang diễn ra trong thị trường Xây dựng Việt Nam hậu Covid-19.

Khi bức tranh ngành xây dựng trong nước đang có nhiều mảng màu sáng tối, thị trường được dự báo sẽ bão hòa, mọi sự chuyển dịch phát triển thị trường đều đang giai đoạn “chuẩn bị”. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến ngành xây dựng những tháng đầu năm 2020 khiến khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, trong nguy có cơ, đây lại là “ngòi nổ” thúc đẩy chuyển biến mới và bẻ ngoặt thời vận ngành xây dựng năm 2020. 

“Lửa thử vàng” – Thị trường xây dựng Việt Nam hậu Covid-19

Hoạt động phát triển đầu tư xây dựng chững lại trong thời gian ngắn là giai đoạn “lửa thử vàng” cho ngành xây dựng Việt Nam, nhưng tiềm năng phát triển là thấy rõ và diễn biến phát triển phụ thuộc vào sự linh hoạt tạo điều kiện và nắm bắt cơ hội của chính phủ, doanh nghiệp trong nước.

Được đánh giá làm tốt trong công tác kiểm soát dịch, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành xây dựng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino khi nền kinh tế thế giới khủng hoảng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước và tận dụng làn sóng Trung Quốc +1 để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ngành xây dựng được đánh giá bị tác động “vừa phải” do gián đoạn hoạt động xây dựng, dự án bị trì hoãn do chưa đủ điều kiện pháp lý, khó khăn về tài chính và sụt giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian dịch bệnh.

Dù vậy, hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra trong thời điểm dịch bệnh và chuẩn bị đón nhận dòng vốn FDI đầu tư xây dựng BĐS công nghiệp mới từ các nước.

Xây dựng công nghiệp phát triển mạnh

Qua đại dịch bệnh toàn cầu Covid-19, Việt Nam cho thấy tầm nhìn và khả năng thực thi chiến lược trong dịch vụ y tế, kinh tế, truyền thông,… Việt Nam tạo dựng tiếng thơm trong khu vực và thế giới. 

Sau dịch bệnh, thế giới sẽ phải vá lại “lỗ hổng” chuỗi cung ứng và Việt Nam được kỳ vọng là là môi trường đầu tư ổn định dành cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường mới. Thị trường xây dựng Việt Nam hậu Covid-19 bị ảnh hưởng rõ rệt, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; tuy nhiên khu vực bất động sản công nghiệp có hy vọng tăng trưởng tốt.

Tiêu biểu, các nước phát triển có nhà máy đặt tại Trung quốc đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược Trung Quốc +1 để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hạn chế ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và những quyền lợi mất dần khi kinh tế Trung Quốc ngày càng trưởng thành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-4, tổng vốn đầu tư bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần  của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 12,33 tỉ USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản… Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu tính theo đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,07 tỉ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Thị trường BĐS công nghiệp tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh theo đà tăng của nguồn vốn đầu tư FDI.

Dự án đầu tư nước ngoài cấp mới từ 01/01/2020 – 30/4/2020 (HOUSELINK tổng hợp)

Đồng thời nhà nước đẩy mạnh đầu tư các công trình công nghiệp quy mô lớn, nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất. Dù tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở các tỉnh trọng điểm đang tăng nhanh, quỹ đất dành cho công nghiệp của Việt Nam vẫn còn dồi dào.

Hàng loạt các dự án công trọng điểm được đầu tư

Một dấu hiệu đáng mừng góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế sau dịch bệnh có kể đến Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt các dự án dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn như hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thuỷ lợi,…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước được phép thực hiện năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng).

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước

Gồm có, vốn Trung ương quản lý đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% kế hoạch năm và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 71,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Năng lượng tái tạo và cách mạng xanh trong xây dựng

Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng sẽ là mũi nhọn thu hút đầu tư và xây dựng trong giai đoạn tới. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Đây là được xem là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà đầu tư đầu tư vào điện mặt trời.

Các dự án xây dựng sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất trong các dự án FDI cấp mới trong 4 tháng đầu năm. Ngay từ đầu năm nay, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô 4 tỷ USD là dự án nổi bật đáng chú ý. Các dự án điện gió, thủy lợi, phòng chống biến đổi khí hậu vẫn là mảng thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp xây dựng.

Đồng thời, xu hướng xây dựng đô thị bền vững và nhà máy thông minh tạo nên cuộc cách mạng trong nền xây dựng hiện đại. Trong đó, vật liệu xây dựng xanh, công nghệ cao, kỹ thuật xây dựng hiện đại,… được ứng dụng rộng rãi.

Trước “thời vận” mới của ngành xây dựng, doanh nghiệp xây dựng nên làm gì để biến nguy thành cơ? Có lẽ đây là thời điểm phù hợp nhất để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận đúng hơn thị trường, rà soát lại bộ máy hoạt động và vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng.

Doanh nghiệp trong ngành nên làm gì?

Mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh

Với xu hướng phát triển đầu tư hiện nay, doanh nghiệp xây dựng nên nắm bắt cơ hội ở những mảng thị trường mới như xây dựng công nghiệp, năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, phòng chống biến đổi khí hậu,…

Không chỉ riêng doanh nghiệp xây dựng, các nhà đầu tư BĐS tại Việt Nam cũng rất hào hứng với lĩnh vực mới đầy hấp dẫn này. Gần đây nhất, ông lớn Vingroup không nằm ngoài cuộc chơi với Bất động sản Công nghiệp khi đổi tên Vingroup Ventures thành Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes, cho thấy doanh nghiệp đã sẵn sàng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Làn sóng mới hấp dẫn của thị trường đang đổ về. Những doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng đã có chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nên chuyển mình trong hoạt động kinh doanh để không bị bỏ lại phía sau.

Cải tiến năng lực thi công

Trong xu thế phát triển đô thị hiện đại, việc cải tiến năng lực thi công là yêu cầu tất yếu.

Những tòa nhà thông minh, nhà máy thông minh, công trình công cộng thông minh hay công trình công nghệ cao ngày càng phổ biến hơn. Những dự án đòi hỏi kỹ thuật xây dựng phức tạp, không thể áp dụng những kĩ thuật truyền thống. Doanh nghiệp xây dựng nhanh chóng cập nhật công nghệ, kĩ thuật, vật liệu,…hiện đại, tối ưu hơn sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh.

Nhanh nhạy kết nối thông tin với thị trường mới

Với thị trường mới, việc kết nối được tới những nguồn thông tin chính xác ảnh hưởng quyết định đến thành bại trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần được kết nối tới những

Doanh nghiệp xây dựng cần ứng dụng nền tảng số để tiếp cận thông tin và phát triển thị trường hiệu quả. Đóng góp chung vào xu thế đẩy nhanh số hóa nền kinh tế, những nền tảng công nghệ như Nền tảng thông tin và đấu thầu HOUSELINK. đang giúp các doanh nghiệp xây dựng và nhà đầu tư phát triển hiệu quả và nhanh chóng những cơ hội kinh doanh mới.

Thị trường xây dựng Việt Nam hậu Covid-19 đang có nhiều thay đổi, cơ hội song hành cùng thách thức, thích nghi và đổi mới là cách doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trước thời vận mới của ngành.