Trên thị trường hiện nay, có hàng trăm thương hiệu, nhãn hiệu sơn nội, ngoại thất đang được sản xuất và giới thiệu. Tuy nhiên, để đánh giá được những hãng sơn nào tốt nhất là điều không dễ dàng đối với khách hàng và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, để trả lời cho câu hỏi “Hãng sơn nào tốt nhất hiện nay?”, có thể tham khảo 10 tiêu chí đánh giá dưới đây để tham chiếu.
Pháp lý sản xuất
Nhà sản xuất sơn nước và bột bả tường quy chuẩn phải được Nhà nước cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sơn nước và bột bả tường gồm: Giấy phép đầu tư do UBND cấp tỉnh/thành phố cấp; Quyết định cấp phép đầu tư sản xuất của UBND cấp tỉnh/thành phố; Chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng nhà máy; Giấy phép xây dựng/Sở Xây dựng. Nếu là đơn vị đi thuê gia công thì phải có đủ các hồ sơ pháp lý nêu trên (phô tô công chứng) của bên nhận gia công.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm
QCVN 16:2017/BXD do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt và được chứng nhận bởi Tổng Cục Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học Và Công nghệ (QUACERT - QUATEST) theo Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015
Tiêu chuẩn này được dịch sang tiếng Việt và ban hành thành tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN ISO 9001:2015, tại Việt Nam được tổ chức JAS -ANZ của Chính phủ Australia và New Zealand công nhận QUACERT là tổ chức chứng nhận của Việt Nam có giá trị trong nước và quốc tế.
Quy trình sản xuất
Sơn là hợp chất hóa học được cấu tạo từ các thành phần chính như: Nước, bột màu, nhựa copolymer và chất phụ gia kết dính. Quy trình sản xuất sơn nhũ tương gốc nước bao gồm các quá trình sau:
Pre-mix: Được gọi là quá trình trộn hay còn gọi là phân tán sơ bộ để nhằm tạo hỗn hợp đồng đều. Công đoạn này giúp cho quá trình nghiền đạt kết quả tốt.
Nghiền đồng đều: Đây là bước trong quy trình giúp phá vỡ kích thước hạt nhằm đạt độ mịn theo yêu cầu sản phẩm sơn khác nhau.
Letdown, pha loãng hỗn hợp: Được gọi là quá trình pha loãng, hoàn thiện sản phẩm. Lọc cặn nhựa: Hiểu nôm na là quá trình loại bỏ các tạp chất và cuối cùng là đóng gói lưu kho.
Quy chuẩn đóng bao bì
Một số hãng sơn đóng bao bì mập mờ không đúng định lượng trên thể tích của bao bì, nên nhiều người tiêu dùng khó phát hiện như: Trên một bao bì có thể tích 5L nhưng khối lượng tịnh bên trong không đủ 5L.
Xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, ghi trên bao bì địa chỉ nơi sản xuất, địa chỉ nhà máy phải khớp với giấy phép đầu tư do UBND tỉnh/thành phố cấp. Trên bao bì phải in mẫu dấu hợp quy của QUACERT/QUATEST.
Mã vạch của sản phẩm để người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua quy ước mã số cho các quốc gia trên thế giới của Tổ chức GS1.
Giấy chứng nhận xuất xưởng (khi cần)
Nếu là đơn vị đi thuê gia công thì phải ghi trên bao bì “Sản xuất tại nhà máy của bên nhận gia công, tên đơn vị gia công, địa chỉ” và chứng nhận xuất xưởng hoặc hợp đồng thuê gia công (khi cần).
Các đặc tính kỹ thuật đạt chuẩn
Đặc tính kỹ thuật của sơn được đánh giá qua các thông số sau: Độ phủ và định mức tiêu hao, độ bám dính của sơn, bề mặt màng sơn, độ bền với nước, thời gian khô, sơn nhẹ mùi (Phải có phiếu thử nghiệm của Trung tâm QUACERT, QUATEST, Viện Hàn lâm nếu có).
Giá bán thị trường đảm bảo cho người tiêu dùng
Giá thị trường là giá bán cho người tiêu dùng, phải được nhà sản xuất công bố giá bán lẻ ổn định, đồng bộ, tránh các nhà buôn tự làm giá bán lẻ, nâng giá bán của sản phẩm lên rất cao khiến người tiêu dùng phải mua giá sản phẩm không đúng giá thực của nhà sản xuất công bố (có những hãng sơn mỗi một khu vực có một bảng giá bán khác nhau). Việc nâng giá sản phẩm lên cao nhằm chiết khấu bán hàng cao làm nhiều người khó biết được giá thực của sản phẩm.
Đa dạng sản phẩm
Do đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm, các hãng sơn công nghệ thường có 3 phân khúc như cao cấp, trung cấp và kinh tế. Ngoài ra, còn các sản phẩm tính năng như chất chống thấm, sơn lót kháng kiềm, sơn nhũ kim trang trí, bột trét...
Màu sắc phong phú
Hiện nay, do phát triển về công nghệ các hãng sơn quy chuẩn thường sản xuất sơn gốc (base), chia thành các base khác nhau được pha màu trên máy pha tự động hoá tại các đại lý bán hàng để chủ động cung cấp hàng ngàn màu sắc theo nhu cầu của thị trường.
Thống kê Top 10 nhà máy sơn Tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia Việt Nam (Được cấp giấy chứng nhận đầu tư):
1. Nhà máy Sơn Jotun - Số 1, đường số 10, khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương (Do UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư).
2. Nhà máy Sơn Dulux - Lô E-1-CN, KCN Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Do UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư).
3. Nhà máy Sơn Nippon - Số 14, đường 3A, KCN Biên Hòa II, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam (Do UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư).
4. Nhà máy Sơn Seamaster - KCN Việt Nam - Singapore, 16 Đại lộ Tự do, Thuận An, Bình Dương (Do UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư).
5. Nhà máy Sơn Skey - Lô 61, cụm công nghiệp Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh, Việt Nam (Do UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư).
6. Nhà máy Sơn 4 Oranges - Lô C, 02, 1, KCN Đức Hòa 1, ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hoà, Long An, Việt Nam (Do UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư).
7. Nhà máy Sơn Toa - Đường Số 2, KCN Tân Đông Hiệp A, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam (Do UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư).
8. Nhà máy Sơn Kova - Lô 32 Khu liên cơ, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Do UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư).
9. Nhà máy Sơn Kcc - Đường số 1, KCN Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam (Do UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư).
10. Nhà máy Sơn Kansai - Anphanam - Khu công nghiệp xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (Do UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư).
|
Theo báo xây dựng