Vật liệu xây dựng mới: Cát nhân tạo là giải pháp tối ưu
Nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng cát nhân tạo trong xây dựng nhưng cần phải đảm bảo về công nghệ trong sản xuất, tránh phát sinh những chi phí trong quá trình thi công công trình.
Giá cát tự nhiên dùng trong xây dựng tăng nhanh thời gian qua khiến cho việc khai thác cát trái phép diễn biến ngày càng phức tạp, gây tổn hại đến môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân các vùng ven sông. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng cát nhân tạo trong xây dựng nhưng cần phải đảm bảo về công nghệ trong sản xuất, tránh phát sinh những chi phí trong quá trình thi công công trình.
Hạn chế khai thác cát tự nhiên
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu mét khối nhưng năm 2020 nhu cầu này đã tăng lên đến 160 triệu mét khối. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ mét khối song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền. Cát cho sản xuất bê tông không nhiều, chỉ chiếm khoảng 30%, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai và Đồng Tháp.
Nguồn cát chính cung cấp cho xây dựng chủ yếu tập trung ở những dự án được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp chủ yếu cho các TP, đô thị lớn.
“Như vậy, có thể thấy mỗi năm có khoảng từ 35 - 40 triệu mét khối hiện đang được sử dụng vào hệ thống công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc. Với mức độ tiêu thụ cát xây dựng như vậy, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo”, đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Khảo sát về thị trường tiêu thụ cát trộn bê tông và cát xây trát tại địa bàn một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai... giá bán được niêm yết ở mức tương đối cao. Chủ cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng tại thôn Phù Dực, xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) Bùi Anh Tuấn cho biết, đối với cát dùng để trộn bê tông có giá từ 460.000 - 480.000 đồng/m3; giá cát dùng để xây trát ở mức 380.000 - 460.000 đồng/m3; cát dùng để san lấp nền có giá từ 200.000 - 220.000 đồng/m3.
“Thời điểm cuối năm nhu cầu xây dựng, hoàn thiện công trình của người dân nhiều hơn so với giai đoạn đầu năm. Bên cạnh đó, do việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với hoạt động khai thác cát tự nhiên khiến cho nguồn cung khan hiếm, giá cước vận chuyển tăng... đã làm cho giá bán của một số sản phẩm cát tự nhiên tăng mạnh”, anh Bùi Anh Tuấn phân tích.
Theo kỹ sư Mạc Văn Quang - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giá cát tự nhiên tăng mạnh trong thời gian qua là do tình trạng khai thác trái phép, khai thác quá mức nguồn cát tại các dòng sông, gây ra những hiểm họa về môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của dân vùng ven sông. Đứng trước nguy cơ đó, Chính phủ đã ký, ban hành nhiều chỉ thị, thông báo, như: Chỉ thị số 03/2015/CT-TTg, Thông báo số 357/2015/TB-VPCP và Thông báo số 161/2017/TB-VPCP yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, ngăn chặn tình trạng vi phạm.
“Campuchia là quốc gia xuất khẩu cát lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng trước những tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nước dòng sông chảy siết gây úng lụt, chính phủ nước này đã buộc phải dừng việc xuất khẩu cát. Vì vậy, cần phải hạn chế việc khai thác cát tự nhiên tại những dòng sông để tránh hiểm họa có thể xảy đến”, ông Quang nhìn nhận.
Sử dụng cát nhân tạo
Giám đốc Nhà máy Nghiền sàng đá và cát nhân tạo Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu cho biết, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều nhà máy sản xuất cát nhân tạo, có giá thành rẻ hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/m3 so với cát tự nhiên. Đặc tính của cát nhân tạo giúp kết cấu bê tông chịu được điều kiện môi trường khắc nghiệt, ngăn ngừa sự ăn mòn cốt thép bằng cách giảm độ thấm, độ ẩm, hiệu ứng đóng băng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các tính chất vật lý của cát nhân tạo giúp cho việc sản xuất bê tông sử dụng ít nước hơn, tăng cường độ của bê tông, quá trình trộn, đổ bê tông cũng được rút ngắn.
“Cát nhân tạo khi sản xuất được sàng lọc nên về tính chất sẽ sạch hơn cát tự nhiên, vì vậy đảm bảo tốt hơn về chất lượng cho công trình. Ngoài ra, việc sử dụng cát nhân tạo còn giúp ngăn chặn việc nạo vét lòng sông để lấy cát, khai thác trái phép dẫn đến các thảm họa môi trường”, ông Nguyễn Trung Hiếu cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam TS. Thái Duy Sâm cho biết, việc nghiên cứu, sản xuất cát nghiền nhân tạo được thực hiện từ cách đây hơn 10 năm, đã đưa vào sử dụng để sản xuất bê tông xây dựng cho nhiều công trình lớn như Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La... Cát nghiền đã có cơ sở khoa học và thực tế, nhiều nước trên thế giới liên tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất nên doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thành quả qua việc nhập khẩu thiết bị. Sản xuất cát nghiền nhân tạo cũng đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng.
"Tuy nhiên, nhằm đảm bảo chất lượng và dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng thì cần phải có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, công nghệ nghiền hiện đại", TS. Thái Duy Sâm nhận định.
Bộ Xây dựng cần tăng cường hướng dẫn việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong xây dựng; bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp; đẩy mạnh việc nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu san lấp, làm vật liệu xây dựng trong nước. Đồng thời xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng loại vật liệu này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Thời gian qua, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện và xử lý rốt ráo các bất cập liên quan đến cát tự nhiên, đồng thời có những chỉ đạo quyết liệt trong sử dụng cát nhân tạo và các loại vật liệu khác để thay thế cát tự nhiên. Dù đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn nhưng đến nay, cát nhân tạo vẫn chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường vật liệu xây dựng.
Theo Doãn Thành/Kinh tế Đô thị