Vì sao công nghệ tường bê tông liền khối đang phổ biến?

Với những giá trị vượt trội về tính bền vững của công trình cũng như lợi ích mang lại trong quá trình thi công, giải pháp tường bê tông liền khối hệ kết cấu Shear Wall đang ngày càng được các chủ đầu tư áp dụng và trở thành xu hướng phổ biến trong ngành xây dựng Việt Nam.

Một trong những lợi ích dễ nhận thấy nhất của công nghệ tường bê tông liền khối là chất lượng căn hộ, bức tường được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, giúp cho tiến độ công trình được đẩy lên gấp nhiều lần so với phương pháp xây tường gạch chèn. Công nghệ này cũng tiết kiệm được tối đa diện tích xây dựng, qua đó tăng diện tích sử dụng của căn hộ tại các dự án nhà ở cao tầng.

Nhiều năm trước, tại các dự án chung cư cao tầng, không ít các chủ đầu tư vẫn áp dụng phương pháp xây tường gạch chèn cùng hệ kết cấu khung dầm chịu lực theo phương ngang. Đây là những giải pháp, công nghệ truyền thống, bộ lộ khá nhiều những hạn chế trong quá trình thi công cũng như khi đưa vào sử dụng.

Vì sao công nghệ tường bê tông liền khối đang phổ biến? - 1

Hạn chế của công nghệ cũ là tuổi thọ vật liệu tường xây và vữa trát hoàn thiện thường kém hơn tuổi thọ vật liệu kết cấu chịu lực, do đó mặc dù hệ kết cấu vẫn đảm bảo đủ khả năng chịu lực nhưng nhìn tổng thể công trình đã xuống cấp.

Khi thay thế được vật liệu tường xây chèn bằng bê tông cùng cấp độ bền với bê tông hệ chịu lực sẽ nâng cao tuổi thọ và gìn giữ độ mới lâu dài hơn cho công trình. Đồng thời an toàn với các tác động cháy, nổ, gió bão và động đất.

Về mặt kiến trúc, các căn hộ không tránh được các góc nhọn, chiếm diện tích của hệ cột, vách. Với nhà cao tầng có chiều cao lớn, chuyển vị của tầng cao khi gió bão hay động đất tạo ra cảm giác dao động cho người sử dụng.

Đặc biệt, việc sử dụng vật liệu là gạch nung đã khiến cho tiêu chí cao cấp của căn hộ đang thiếu mất một tiêu chí về độ bền của vật liệu và tuổi thọ công trình.

Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia có ngành xây dựng phát triển trong giai đoạn gần đây, công nghệ sử dụng cốp pha leo để thi công tường bê tông cốt thép toàn khối với hệ chịu lực đang là giải pháp được nhiều chủ đầu tư áp dụng.

Tuy nhiên, chỉ những chủ đầu tư và nhà thầu có năng lực mới đủ sức quản lý và thực hiện dự án bằng công nghệ này, bởi nó đòi hỏi chi phí đầu tư và thi công cao, độ chính xác các giai đoạn gần như tuyệt đối.

Trong khi đó, theo TS. Lê Xuân Tùng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của một Tập đoàn xây dựng có tiếng trong nước cho biết, tại các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam…hầu hết đang áp dụng công nghệ này tại các dự án bất động sản, chung cư cao tầng. Trong đó, tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư lớn cũng áp dụng công nghệ tường bê tông liền khối cho các dự án của mình tại Hà Nội và Tp.HCM. Tất nhiên, đi cùng với công nghệ này cũng đòi hỏi những nhà thầu có đủ năng lực thi công, năng lực tài chính mới có thể tham gia đấu thầu các dự án.

Ông Tùng cho rằng, giải pháp kết cấu Shear wall, sử dụng tường ngăn và bao che bằng vật liệu bê tông cốt thép là một công nghệ tốt, làm tăng khả năng chịu lực và tuổi thọ công trình, tăng diện tích sử dụng, an toàn trong các tác động cực đoan. Tường bê tông không vữa trát sẽ tránh được các bong tróc thường thấy ở tường gạch do có nhiều lớp vật liệu hoàn thiện mà hệ số giãn nở nhiệt và bám dính không đều nhau.

Những thế mạnh của công nghệ tường bê tông liền khối và hệ kết cấu Shear wall đã được giới chuyên gia xây dựng trên thế giới kiểm chứng. Tuy nhiên, công nghệ tường bê tông liên khối cũng có những hạn chế, nhược điểm nhất định như cách nhiệt kém, có thể xảy ra những vết nứt nhỏ do bê tông co ngót dưới tác động của môi trường…

Theo PGS. TS Trần Chủng, đặc điểm của giải pháp này là tường bê tông liền khối nên có thể sẽ xảy ra những sự cố nhỏ như nứt bê tông sau khi thi công một thời gian do tác động của nhiệt độ, môi trường tự nhiên. Bởi nứt do co ngót vốn là đặc tính rất bình thường của bê tông. Việc bố trí hệ thống lưới thép đảm bảo ở bên trong có thể hạn chế được đặc tính này.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, những nhược điểm nhỏ này không quá lo ngại và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, khắc phục được. Tại các quốc gia phát triển, giải pháp này khá phổ biến và rất nhiều nhà thầu lớn trên thế giới đều áp dụng công nghệ này.

“Những hạn chế của công nghệ này hiện đâu đó vẫn có thể xảy ra nhưng đều là những hạn chế chấp nhập được. Nó là do tác động của nhiệt độ môi trường, co ngót bình thường. Nó giống như một cơ thể con người bị sốt, chỉ là phản ứng bình thường với môi trường”, ông Chủng nói.

Đặc biệt, theo PGS Trần Chủng, ở góc độ người sử dụng, công nghệ này mang lại cho họ một không gian ở thích hợp. Đó chính là chất lượng căn hộ, tuổi thọ công trình cũng tăng lên so với tường gạch. Hơn nữa, giải pháp này cũng giúp công tác bảo trì tòa nhà tốt hơn, giúp tiết kiệm được diên tích xây dựng, qua đó làm tăng diện tích căn hộ lên đáng kể.

“Chính vì những hạn chế không đáng kể và không quá lo ngại nói trên nên tôi vẫn mong và khuyên các chủ đầu tư chủ đầu tư hãy nhìn vì lợi ích lâu dài, những giá trị mang lại cho chính mình và khách hàng, hãy sử dụng ngày càng nhiều công nghệ này. Nó có thể khiến giá thành xây dựng ban đầu cao hơn chút ít nhưng nó mang lại giá trị lâu dài cho các bên”, ông Chủng nói.

Theo Nhật Nam- Báo dân trí