Việt Nam chúng ta hiện đang có một thị trường xây dựng sôi động và đầy tiềm năng phát triển. Vì thế đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào ngành xây dựng của chúng ta đang là yêu cầu bức thiết.
Mục đích khi ứng dụng công nghệ mới của chúng ta là giảm giá thành xây dựng, chất lượng công trình cao và tiến độ thi công công trình nhanh, để đưa công trình vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Đến với triển lãm quốc tế công nghệ xây dựng VIETCONSTECH 2012 lần này Công Ty Cổ Phần Giải Pháp Công Nghệ Xây Dựng Quốc Tế Việt Nam - VITEC (Tên trước đây là Công Ty Cổ Phần TADITS Việt Nam) đem đến sản phẩm chuyển giao công nghệ sàn rỗng Bubbledeck (Đan Mạch) và Phương pháp gia cố nền đất yếu Top – Base (Hàn Quốc).
Trải qua quá trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Công ty VITEC cho đến nay đã tạo nên những thành tựu to lớn được lãnh đạo đảng, bộ, ngành, Chủ đầu tư, Đơn vị tư vấn, Nhà thầu thi công Xây dựng và các đối tác nước ngoài đánh giá cao.
Để giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến cho kết cấu trong các công trình xây dựng cũng như trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết trong việc thiết kế, thi công các công trình, dự án xây dựng trọng điểm của quốc gia. Vào ngày 27 – 29 tháng 6 tới đây Bộ xây dựng chỉ đạo tổ chức Triển lãm quốc tế công nghệ xây dựng mang tên VIETCONSTECH 2012. Đến với triển lãm VITEC giới thiệu với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước về công nghệ sàn rỗng Bubbledeck cải tiến loại C (C-Deck, sản phẩm được bản địa hóa và đăng ký sáng chế bởi VITEC) và Phương pháp gia cố nền đất yếu Top - Base được chuyển giao thành công từ công nghệ của Đan Mạch và Hàn Quốc.
Công nghệ sàn rỗng C-Deck là công nghệ có thành phần cơ bản là lưới thép hàn lớp trên, lưới thép hàn lớp dưới và ở giữa là các quả bóng rỗng bằng nhựa tái chế. Đây là sản phẩm bán lắp ghép, thể hiện các tính năng vượt trội như: khả năng thi công nhanh và không cần ván khuôn, cách âm, cách nhiệt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Đặc điểm nổi bật của sàn C-deck là: sàn nhẹ, chịu lực 2 phương, có thể xây tường ngăn tại mọi vị trí; sàn không dầm, tiết kiệm được chiều cao công trình; giảm trọng lượng bản thân sàn và cột từ 35 - 50%, từ đó giảm kích thước cột và móng; giảm cốt thép sàn từ 5 - 10%, bê tông nóng giảm 6 - 10%; giảm số lượng cột 40%, linh hoạt trong thiết kế, thích hợp mọi mặt bằng; giảm thời gian thi công 35%; giảm chi phí xây dựng, thân thiện với môi trường do sử dụng các vật liệu tái chế trong sản xuất và thi công. Với những tiến bộ trên, công nghệ sàn bóng C-Deck đã được cấp chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Xây dựng Châu Âu và đạt giải bạc chất lượng quốc gia năm 2009 do Bộ khoa học và công nghệ cấp.
LICOGI 13 TOWER - Khuất Duy Tiến - Hà Nội - Công trình sử dụng sàn bóng C- deck
Việc tiết kiệm chi phí cũng như giảm bớt nhân lực và đảm bảo tiến độ, chất luợng công trình trong xây dựng là một trong những khâu quan trọng và tiên quyết để có một công trình hoàn chỉnh. Ngày nay việc đưa những công nghệ mới trong xây dựng ở Việt Nam đang được quan tâm phát triển. Công nghệ sàn rỗng C-Deck của VITEC là một sản phẩm công nghệ trong xây dựng tại Việt Nam đã được ứng dụng thành công trong nhiều công trình, dự án lớn với ưu điểm giá thành rẻ, thời gian thi công nhanh gấp 2 lần so với phương pháp thông thường, trung bình đạt 1000m2/7 ngày trong điều kiện thi công tốt và được các nhà thầu thi công đánh giá là dễ thi công. Khả năng vượt nhịp lớn đó là khoảng cách giữa hai cột lớn nhất hiện nay là 21m6 tại công trình Giảng đường chùa Lân - Thiền viện trúc lâm Yên Tử - Quảng Ninh do VITEC thiết kế và thi công.
Để đạt được những hiệu quả trên nguyên nhân chính là do tất cả các khấu kiện được sản xuất tại nhà máy sau đó vận chuyển tới chân công trình, ở công trường các nhà thầu không phải lắp, dựng cốp pha sàn và thi công bố trí lưới thép…
Giảng đường Chùa Lân - Thiền Việc Trúc Lâm Yên Tử - Quảng Ninh
Trả lời cho câu hỏi: "khi sử dụng sàn rỗng C-Deck có gặp khó khăn gì trong khi thi công hay không? Bởi đã có công trình khi sử dụng sàn bóng đã xảy ra tình trạng nứt, võng và thủng... Hơn nữa bên phía Locogi 18 có công trình có 15- 20% số bóng phải đục ra đổ vữa sika vào? Vậy phía VITEC có giải thích cũng như giải pháp gì cho việc này?"
Ông Trịnh Xuân Trường Phó giám đốc phòng điều phối dự án công ty VITEC cho biết: "để xảy ra tình trạng trên có yếu tố khách quan đó là do nhà thầu thi công chủ quan, không làm theo tiêu chuẩn và sự hướng dẫn của đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ, ngoài ra cũng do biện pháp thi công không sử dụng đầm dung trên 3 giây để bê tông có thể lọt xuống đáy nên dẫn đến hiện tượng trên. Ông Trường cũng cho biết thêm hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở sàn đầu tiên và đã được khắc phục khi không sảy ra ở những sàn tầng tiếp theo".
Để khắc phục hiện tượng trên cần phải nâng cao công tác quản lý thi công cụ thể là thiết lập chặt chẽ và sự phối hợp giữa đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ và nhà thầu thi công. Trong trường hợp đã xảy ra tình trạng số bóng bị hỏng vượt quá 5% mức cho phép thì cần phải sử dụng các biện pháp khắc phục khác.
Phương pháp gia cố nền đất yếu Top – Base (móng phễu): là một giải pháp xử lý nền đất yếu làm tăng khả năng tiếp nhận tải trọng của đất nền để làm giảm độ lún của đất nền và thời gian cố kết của đất. Phương pháp móng Top - Base được ứng dụng ở Nhật và Hàn Quốc cho hàng trăm công trình; trong đó có nhiều công trình cao đến 30 tầng mà không cần dùng cọc. Hiện nay, công nghệ này đã triển khai ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay và đã có trên 30 công trình ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP.HCM... ứng dụng công nghệ này đạt hiệu quả rất tốt. Ưu điểm của Top - Base là thời gian thi công giảm còn 30%, giá thành giảm 50% so với ép cọc và không ảnh hưởng đến công trình xung quanh. Một số công trình đã ứng dụng thành công công nghệ Top – Base tại Việt Nam như: Khu du lịch đảo Hòn Dấu – Đồ Sơn – Hải Phòng, Nhà ga du thuyền – Tuần Châu – Quảng Ninh, Trường quốc tế Thăng Long, tòa nhà South Building – TP.HCM và một số công trình, dự án trọng điểm khác…
Công trình trụ sở Tổng Công ty CONTRESXIM (nay là tòa nhà HÒA PHÁT)-
ứng dụng phương pháp gia cố nền Top-Base kết hợp Cọc khoan nhồi.
Trong thời gian tới chiến lược đặt ra cho VITEC là trở thành một công ty hàng đầu về phát triển công nghệ mới ở Việt Nam, thông qua việc phát minh và sở hữu các công nghệ tiên tiến sẽ chuyển giao công nghệ, liên kết với đối tác để phát triển mạng lưới chuyên môn nhằm đưa các sản phẩm mới công nghệ mới lan toả mạnh mẽ hơn mang lại ích lợi thiết thực cho đất nước là mục tiêu chính của Ban lãnh đạo. Bên cạnh đó, VITEC cũng không ngừng đầu tư mở rộng tìm kiếm thị trường và đối tác ở nước ngoài nhằm quảng bá công nghệ xây dựng của Việt nam tới bạn bè thế giới cũng như gia tăng lợi nhuận kinh doanh.
Việc sử dụng công nghệ sàn bóng C-Deck và công nghệ gia cố nền đất yếu Top-base rộng rãi trong xây dựng là một trong những thành quả của việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong những năm vừa qua.
Giải pháp gia cố nền đất yếu bằng công nghệ Top – Base trong xây dựng công trình là một xu hướng đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, bởi nhiều tính năng vượt trội so với phương thức xây dựng truyền thống. Để giải quyết triệt để vấn đề áp dụng Top-Base vào nhà cao tầng, VITEC đã phát triển giải pháp móng Top-Base kết hợp với cọc bê tông với mục đích giảm tối đa sử dụng cọc trong công trình. VITEC đã nghiên cứu và áp dụng thành công chi tiết gối lún đặt trên đầu cọc, với mục đích giúp hệ móng bè và cọc cùng đồng thời chịu tải. Những kết quả đo lường cho thấy giải pháp công nghệ Top - base cho phép giảm kích thước móng chỉ còn 1/10-1/2 (hoặc hơn nữa) và tăng khả năng chịu lực của đất nền từ 50% đến 200% (hoặc hơn nữa) so với nền đất chưa gia cố.
Đã có rất nhiều công trình nhà cao tầng sử áp dụng phương án kết hợp Top-base và Cọc thành công, có thể kể đến như: Khách sạn 25 tầng Ocean View Manor (Bà rịa- Vũng Tàu), Tổ hợp chung cư cao tầng Cẩm Bình (Cẩm phả - Quảng Ninh), Khách sạn 5 sao An Thịnh (Hòa Bình), Chung cư Techco Miền Trung (TP.Vinh), Tòa nhà Constrexim (Hà Nội)….
Khách sạn 5 sao An Thịnh (Hòa Bình)- áp dụng móng phễu Top-base kết hợp cọc.
Hiện nay nhu cầu nhà ở tại thành thị rất lớn. Tốc độ dân cư ngày càng tăng thì những công trình bất động sản sẽ càng nhiều. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn ra tiềm năng thị trường Việt Nam và dự định sẽ đổ vốn đầu tư đẩy mạnh tốc độ cạnh tranh. Vì thế, trong tương lai, nhà đầu tư Việt Nam nên chú trọng sử dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng công trình để giảm chi phí xây dựng, giảm giá thành sản phẩm, đưa ra mức giá có khả năng cạnh tranh thị trường.