Một số kỹ thuật dùng trong phương pháp dạy học tích cực

Chúng ta có thể sử dụng nhiều kỹ thuật hỗ trợ để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp giảng dạy tích cực. Những kỹ thuật này làm cho làm cho buổi giảng sinh động hơn, tạo bầu không khí hứng thú trong lớp học.

Làm việc nhóm là một trong những kỹ thuật được nhấn mạnh hàng đầu, bởi lẽ ngoài việc phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề trong nội dung môn học nó còn giúp rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm – một kỹ năng đóng vai trò quyết định cho sự thành công sau này của sinh viên. Nó có tác dụng hỗ trợ khả năng lưu giữ thông tin trong dài hạn; giúp sinh viên học cách ứng dụng thông tin trong những hoàn cảnh mới; giúp phát triển khả năng tư duy, khả năng hợp tác, khả năng tổ chức và chủ trì các hoạt động.

Làm việc nhóm có thể được vận dụng trong tất cả các phương pháp giảng dạy: thuyết giảng (khoảng giữa những đợt thuyết giảng ngắn), giảng dạy theo vấn đề, giảng dạy dựa vào tình huống, và thậm chí kể cả trong phương pháp truy vấn.

Đàm thoại (hay nêu câu hỏi gợi mở) là kỹ thuật đặt câu hỏi để khơi gợi vấn đề nhằm tăng tính chủ động, kích thích tư duy, và phần nào tránh nhàm chán. Đây là kỹ thuật được tận dụng triệt để trong phương pháp truy vấn. Nó cũng nên được sử dụng nhiều trong phương pháp thuyết giảng. Ngoài ra, trong quá trình làm việc nhóm, khi sử dụng phương pháp giảng dạy theo vấn đề và nghiên cứu tình huống, giảng viên cũng có thể dùng kỹ thuật đàm thoại để giúp gợi mở vấn đề hoặc hướng dẫn tiến trình giải quyết vấn đề trong từng nhóm nhỏ.

Có ba dạng câu hỏi dùng trong đàm thoại: Câu hỏi tái hiện, nhằm kiểm tra kiến thức đã học; Câu hỏi giải thích, nêu vấn đề để người học làm sáng tỏ vấn đề đặt ra; Câu hỏi khám phá, bao gồm một hệ thống câu hỏi theo trình tự hợp lý để người học từng bước phát hiện và giải quyết vấn đề. Nếu hệ thống câu hỏi giúp giải quyết hoàn chỉnh một vấn đề lớn hoặc toàn bộ vấn đề của bài học trong một buổi giảng thì kỹ thuật đàm thoại trở thành một phương pháp giảng dạy: phương pháp truy vấn.

Đóng vai là kỹ thuật tổ chức cho người học thực hiện các vai diễn trong một tình huống nào đó. Vai diễn có thể phân cho từng cá nhân hoặc từng nhóm. Đóng vai có thể đi từ mức độ thấp là mô phỏng tình huống có sẵn đến mức độ cao là người đóng vai tự do đưa ra hành vi ứng xử của mình trước tình huống đặt ra, căn cứ vào hành vi ứng xử của những vai còn lại. Đóng vai có thể áp dụng trong phương pháp giảng dạy theo vấn đề hoặc giảng dạy tình huống.

Thuyết trình thường được tổ chức theo nhóm, để cho mỗi nhóm trình bày và sau đó là trả lời, thảo luận trên các câu hỏi đặt ra từ người nghe về một nội dung hoặc đề tài cần phải giải quyết. Thuyết trình có thể đi từ mức thấp là trình bày lại những nội dung đã học đến mức cao là trình bày một chủ đề (lý thuyết hoặc thực tế) mà nhóm tự nghiên cứu theo yêu cầu của giảng viên.

Thuyết trình thường được tổ chức thành một dạng hoạt động độc lập trong một buổi giảng. Tuy nhiên, nó có thể được vận dụng ngay trong quá trình thuyết giảng, giảng dạy theo vấn đề hoặc giảng dạy tình huống.

Động não là kỹ thuật kích thích nảy sinh ý tưởng nhiều nhất trong một khoảng thời gian nhất định về vấn đề được đặt ra. Ý tưởng đưa ra càng nhiều càng tốt, cho dù có thể hết sức ngây ngô, hết sức vô lý, hết sức nhỏ nhặt, hết sức tản mạn. Tuy nhiên, từ những ý tưởng đó có thể phân tích và tổng hợp lại để tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Đối với giảng viên, động não thường được áp dụng trong phương pháp thuyết giảng. Đối với nhóm sinh viên, có thể sử dụng kỹ thuật động não trong phương pháp học tập theo vấn đề hoặc nghiên cứu tình huống.

Người điều khiển động não (giảng viên hoặc nhóm trưởng) đôi lúc phải thúc ép, thậm chí rất bất ngờ, từng người phát biểu ý tưởng một cách nhanh chóng. Điều quan trọng là mọi người phải ý thức rằng tất cả ý tưởng đều có ích theo một nghĩa nào đó, và vì thế không bao giờ được biểu hiện sự chê bai hay phê phán đối với bất kỳ ý tưởng nào. Tất cả ý tưởng đều phải được liệt kê, phân loại, nếu chưa rõ thì tiếp tục làm sáng tỏ. Và cuối cùng là phải tổng hợp để đưa ra kết luận.

Tóm lại, chúng ta có thể sử dụng nhiều kỹ thuật hỗ trợ để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp giảng dạy tích cực. Những kỹ thuật này làm cho làm cho buổi giảng sinh động hơn, tạo bầu không khí hứng thú trong lớp học. Mặt khác, về phía người học, những kỹ thuật này có tác dụng kích thích tư duy độc lập và sáng tạo; rèn luyện hàng hoạt kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng truyền thông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng ứng xử trước (những thay đổi xảy ra bất ngờ), sự năng động và tự tin, v.v…