Nghiên cứu khoa học của sinh viên là hoạt động trí tuệ giúp sinh viên vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học trong học tập và trong thực tiễn, trong đó sinh viên bước đầu vận dụng một cách tổng hợp những tri thức đã học để tiến hành hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu, bước đầu góp phần giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp đặt ra để từ đó có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình.
Hiểu được mục đích ý nghĩa của hoạt động ấy, thầy và trò khoa Kỹ thuật xây dựng trường Đại học Đông Á hàng năm vẫn tham gia đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng chuyên môn hoặc tìm hiểu những kiến thức mở rộng. Cứ mỗi năm, đến dịp đăng ký đề tài là từng nhóm sinh viên lại nhộn nhịp, rộn ràng tìm thầy cô nhờ tham vấn chuyên môn cho nhóm để có những bước thực hiện và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học một cách tốt nhất.
Nghiên cứu khoa học, đó hành động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm … dựa trên những số liệu, dữ liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới (đây là hướng nghiên cứu hàn lâm) hoặc tìm ra những ứng dụng kỹ thuật mới, những mô hình mới có ý nghĩa thực tiễn (đây là hướng nghiên cứu ứng dụng).
Người muốn làm nghiên cứu khoa học phải có những kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu nhưng chủ yếu là phải rèn luyện cách làm việc tự lực và có phương pháp. Do đó, là sinh viên với những kiến thức hạn chế thực hiện nghiên cứu khoa học càng phải phát huy khả năng tự học để trau dồi những kiến thức cần thiết, đồng thời việc lựa chọn đề tài nên phù hợp với khả năng của mình (bao gồm sự phụ hợp về kiến thức, thời gian, tài lực … ).
Bản thân người viết bài cũng từng tham gia công tác nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên và đã thấy được những lợi ích tuyệt vời từ hoạt động ấy. Thứ nhất, khi bạn tham gia làm một đề tài nghiên cứu khoa học nào đó, có nghĩa là bạn rất đam mê và muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này. Lúc ấy, bạn sẽ tìm mọi cách để có những hiểu biết nhiều nhất về vấn đề bạn quan tâm, có nghĩa là lúc ấy kiến thức của bạn đã lên được một tầm mới. Thứ hai, khi nghiên cứu khoa học bạn sẽ bỏ ra nhiều thời gian để học được nhiều kiến thức mới và sẽ cảm thấy mình hoạt động nhiều hơn, năng nổ và nhạy bén về trí tuệ hơn. Điều quan trọng nữa là sau này bạn ra trường, bạn sẽ có được một chứng nhận về tham gia nghiên cứu khoa học ở trường, nếu đề tài bạn tốt, có nhiều hướng để mở rộng, nó có thể là một ý tưởng hay cho bài luận văn Thac Sĩ sau này khi bạn đã tốt nghiệp Đại học và muốn học lên Thạc sĩ.
Nghiên cứu khoa học không đợi ai, không đợi tuổi, vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta có thể đưa ra ý tưởng của mình và biến những ý tưởng ấy thành đề tài nghiên cứu khoa học có ích cho mình và xã hội. Hãy bắt đầu với niềm đam mê trong bản thân mỗi chúng ta.